Những sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025
Theo đó, có 5 nhóm công nghiệp chủ lực được Kiên Giang xác định đến năm 2025 gồm: Sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng; Chế biến lương thực thực phẩm; Chế biến lâm sản; Sản xuất da giày - may mặc; Sản xuất cơ khí; Sản xuất đồ uống; Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện - điện tử.
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng khi đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo của đất nước với mức độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Để công nghiệp phát triển bền vững, một trong những phương pháp là phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với vị trí địa lý và tiềm năng của từng địa phương. Nhận thức rõ được vấn đề này, ngày 3 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 124/NQ-CP về việc “Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp theo điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương.
Căn cứ Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ, ngày 21 tháng 10 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương về vai trò và nội dung của chính sách công nghiệp quốc gia; gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp chung của đất nước phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của riêng tỉnh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tỉnh Kiên Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp của tỉnh phục hồi và duy trì đà tăng trưởng cao, gia tăng phần đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo ra nhiều cơ sở làm việc mới, thu nhập của người lao động cao hơn mức bình quân toàn tỉnh; đến năm 2045, hình thành một số lĩnh vực công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, ngày 8 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định số 937/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược quan trọng, dễ dàng giao lưu kinh tế với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tài nguyên, nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng, tỉnh Kiên Giang nhận định 5 nhóm ngành chủ lực phát triển bao gồm:
- Sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng
- Chế biến lương thực, thực phẩm
- Chế biến lâm sản
- Sản xuất da giày - may mặc
- Sản xuất cơ khí
- Sản xuất đồ uống
- Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện - điện tử
Với mỗi nhóm ngành, tỉnh Kiên Giang đã lựa chọn những sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển. Theo đó, để được xác định là sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được 5 tiêu chí như sau:
- Được sản xuất bởi doanh nghiệp của tỉnh, là doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có trụ sở chính tại tỉnh Kiên Giang; doanh thu từ sản phẩm chiếm tỷ lệ cao và đóng góp quan trọng cho ngành.
- Có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt, có độ bền và chất lượng cao. Ưu tiên cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn quốc tế.
- Được sản xuất với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao, thân thiện với môi trường.
- Đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, hay có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.