Hội thảo về quan hệ lao động hài hòa: Bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động
Về phía FCM còn có 29 đại biểu là lãnh đạo các cấp công đoàn, lãnh đạo Công đoàn các đơn vị như: Tập đoàn Nisan, Honda, Mitsubishi, Suzuki, Daihatsu, Isuzu, Yamaha, NEC, Yaskawa, Daikin, Showa, v.v... Về phía CĐCTVN có đại diện Lãnh đạo các ban CĐCTVN, một số đơn vị cấp trên cơ sở, cơ sở trực thuộc CĐCTVN.
Tại Hội thảo, hai bên đã giới thiệu về mô hình tổ chức và tình hình hoạt động công đoàn của mỗi bên. Các đại biểu tham dự cũng sôi nổi tham luận đóng góp ý kiến và kinh nghiệm đối thoại trong việc xây dựng quan hệ lao động.
Chia sẻ về tình hình thực hiện chính sách lao động ở Việt Nam, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học - Viện Công nhân và Công đoàn Đặng Quang Hợp cho biết, theo Pháp luật Việt Nam, chính sách lao động bao gồm những quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi của các bên trong quan hệ lao động; hướng dẫn các bên đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động tạo ra việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút nhiều lao động; chính sách dạy nghề, học nghề, phát triển, phân bổ nguồn lực, chính sách sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả; phát triển thị trường lao động, kết nối cung cầu; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, quy định chế độ lao động và chính sách lao động cho các đối tượng yếu thế.
Ông Đặng Quang Hợp cũng cho biết, thu nhập của người lao động hưởng lương tính trung bình cả nước là 4,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó lao động nam đạt 4,7 triệu đồng, lao động nữ đạt 4,13 triệu đồng; khu vực thành thị đạt 5,25 triệu đồng; nông thôn đạt 3,84 triệu đồng. Ông Đặng Quang Hợp mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ và kịp thời các văn bản hướng dẫn; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách về lao động; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc thực hiện các chính sách về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Tổng Liên đoàn cần tăng cường thương lượng tập thể, phối hợp giải quyết kịp thời những bức xúc của tập thể người lao động. Đặc biệt, CĐCTVN cần xác định khi sắp xếp lại các doanh nghiệp, chuyển đổi đa dạng về hình thức sở hữu, quan hệ lao động sẽ có chiều hướng phức tạp, vì vậy cần coi trọng việc thực hiện các chính sách về lao động. Trước mắt khẩn trương tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở xây dựng thang, bảng lương cho các doanh nghiệp đang áp dụng Nghị định số 205/2004/NĐ-CP chuyển sang thực hiện theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, thực hiện chế độ tiền lương theo cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Trưởng phòng nghiên cứu khoa học - Viện Công nhân và Công đoàn Đặng Quang Hợp chia sẻ tại Hội thảo
Đối với vấn đề thương thảo giữa người lao động và người sử dụng lao động, bà Kogure Kazuha, Ủy viên BCH Ban Chính sách Bình đẳng giới, CĐ Tập đoàn Máy điện Fuji chia sẻ, hàng năm, tháng 6 và tháng 11, Tập đoàn luôn tổ chức xác nhận tình hình kinh doanh, thảo luận về các vấn đề và tiếng nói ở cơ sở để đạt được kế hoạch mục tiêu, hướng tới cải thiện môi trường lao động; thảo luận trên cơ sở 36 thỏa thuận được ký giữa người lao động và người sử dụng lao động về sức khỏe, về lao động thời gian dài và nghỉ ngơi để bảo đảm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, v.v...
Bà Kogure Kazuha, UV BCH Ban Chính sách Bình đẳng giới, CĐ Tập đoàn Máy điện Fuji tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham gia cũng đã trao đổi thông tin về mối quan hệ lao động từ góc nhìn của doanh nghiệp; cơ chế làm thêm giờ, biện pháp ứng phó với đình công, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động đạt hiệu quả tối ưu của mỗi doanh nghiệp cũng như trao đổi của một số công đoàn hai bên về công tác thông tin tại nơi làm việc nhằm nâng cao ý thức của đoàn viên.