Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nổi bật tuần qua
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp hay việc đảm bảo mở lại đường bay nội địa… là một số những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ nổi bật trong tuần qua.
Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một vấn đề nổi bật của tuần qua là việc mở lại đường bay nội địa, theo đó, tại Thông báo 263/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ, ngành và các địa phương ngày 8/10/2021 về triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, các Bộ, ngành trong trách nhiệm của mình tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm các đường bay nội địa từ ngày 10/10/2021 tới ngày 20/10/2021; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.
Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải từng bước phục hồi các đường bay, chuyến bay, bảo đảm thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi - đến, trên tàu bay và quá trình di chuyển về các địa phương; đảm bảo các địa phương nắm chắc tình hình và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời các ca F0 (nếu có), không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định này áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021; sẽ tiến hành đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Về kế hoạch khai thác, giai đoạn thí điểm (từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021), Bộ Giao thông vận tải sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có phiếu chuyển số 1879/CP - VPCP gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét các nội dung kiến nghị hỗ trợ các hãng hàng không của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA). Trước đó, VABA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành các thủ tục đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của Hiệp hội này. Điều này nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký ban hành Quyết định số 1188/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19. Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt này được căn cứ theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khóa khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19; Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các Bộ, cơ quan, địa phương.
Cũng trong tuần qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1680/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 741,285 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 122/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý số lượng vaccine mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ trong năm 2021 vượt con số quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ (khoảng 150 triệu liều vaccine). Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu trong việc mua 400.000 liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary.