Quảng Ninh phấn đấu duy trì đà tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2022
Về phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Ninh xác định rõ trụ cột tăng trưởng của năm 2022 là tập trung cho công nghiệp-xây dựng; trong đó, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tàu vào bốc xếp hàng. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở 2 con số trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh chủ trương tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19.
Bởi, việc tăng trưởng kinh tế năm 2022 phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đặc biệt Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ đạt cao trong cả nước là tín hiệu tích cực thúc đẩy tăng trưởng đạt ở mức cao hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh để tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống , vừa ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững đà tăng trưởng, vấn đề cốt lõi là phải tăng cường năng lực tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền cấp xã, cấp huyện, và vai trò chủ thể của mỗi người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Mỗi địa phương phải chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư sinh phẩm đáp ứng nhiệm vụ trên.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường cho toàn dân. Trước mắt, từ nay đến 30/11/2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành 2 bộ dữ liệu lớn về nền tảng xét nghiệm và dữ liệu nhân khẩu học, dịch tễ học; trang bị đồng bộ AI để kiểm soát người tại các điểm ra, vào tỉnh.
Về phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Ninh xác định rõ trụ cột tăng trưởng của năm 2022 là tập trung cho công nghiệp-xây dựng; trong đó, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là các dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) thế hệ mới; ổn định, phát triển bền vững ngành than; đầu tư các dự án trọng điểm đầu tư công, FDI, đầu tư ngoài ngân sách, khu vực dân doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng mà Quảng Ninh đang có thêm lợi thế vượt trội như thương mại biên giới, xuất nhất khẩu, thương mại điện tử, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, cảng biển; phát triển bền vững nông-lâm-ngư nghiệp, trọng điểm là thủy sản.
Cùng đó, đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế, khu công nghiệp và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2022. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, nông nghiệp, nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2021, Quảng Ninh ước đạt tốc độ GRDP đạt 10,01%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước./.