Nhiều địa phương điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19
Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và tình hình thực tế, một số địa phương đã điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 trên toàn địa bàn hoặc chỉ điều chỉnh cục bộ cấp độ dịch.
Như vậy, đây là huyện thứ 2 sau TP. Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận áp dụng cấp độ phòng chống COVID-19 ở cấp 4 từ ngày 8/11.
Cần Thơ tăng cấp độ dịch COVID-19
Tối 8/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển ký ban hành công văn 5709/UBND-HCTC cập nhật đánh giá cấp độ dịch và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố Cần Thơ sẽ áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với dịch cấp độ 3 từ ngày 11/11.
Thành phố có 5 quận, huyện công bố dịch ở cấp độ 2 và 4 quận (Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt) cấp độ 3; 16 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 45 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 2; 14 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3 và 8 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 4. Các quận, huyện, xã, phường, thị trấn vẫn giữ nguyên cấp độ dịch so với Công văn số 5568/UBND-HCTC thì tiếp tục thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch hiện tại; các địa phương nâng cấp độ dịch so với Công văn 5568/UBND-HCTC thì phải thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới từ 0 giờ ngày 11/11; các địa phương hạ cấp độ dịch so với Công văn số 5568/UBND-HCTC thì thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới kể từ ngày công văn này ban hành.
Thái Bình nâng cao trách nhiệm của cấp xã
Ngày 8/11, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định: Tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người đến, về tỉnh. Tất cả những người từ nơi nguy cơ cao, nơi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, khi đến, về tỉnh Thái Bình phải được kiểm soát kịp thời. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, triệt để, kịp thời, qua đó chủ động xét nghiệm ngay đối với những trường hợp này. Nếu địa phương để xảy ra trường hợp người đến, về tỉnh từ nơi nguy cơ cao, nơi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng mà không kiểm soát được, dẫn đến để dịch bùng phát, lây lan rộng thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch và tăng cường tuyên truyền về hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là những nơi mới xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; đề cao việc kiểm soát phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Khi xuất hiện F0, các lực lượng phải tập trung truy vết với tinh thần càng nhanh càng tốt, không kể ngày đêm.
Quảng Ninh: Nâng cấp độ dịch COVID-19 nhiều xã, phường
Theo CDC Quảng Ninh, chỉ tính từ ngày 3-6/11, số ca nhiễm đã tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, từ 2 ca dương tính lên 72 ca. Trong đó, Đông Triều 28 ca; Uông Bí 41 ca... Đây đều là những địa phương có dân số đông, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có đông công nhân, hoạt động giao lưu, tiếp xúc, buôn bán, phức tạp.
Do vậy, UBND tỉnh đã quyết định nâng cấp độ phòng chống dịch nhiều xã, phường tại 2 địa bàn này.
Cụ thể, với thị xã Đông Triều, nâng cấp độ dịch xã Hồng Thái Đông lên cấp 2; nâng cấp độ dịch trên địa bàn xã Hồng Thái Tây lên cấp 4 (màu đỏ).
Tại TP. Uông Bí, 3 phường (Phương Đông, Phương Nam, Trưng Vương) lên cấp độ 2.
TX. Đông Triều và TP. Uông Bí đã kích hoạt các kịch bản phòng, chống dịch tương ứng với cấp độ dịch.
Các địa phương đều khuyến cáo trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp đòi hỏi ý thức của người dân rất lớn. Người dân từ các vùng dịch về phải tuân thủ theo dõi y tế tại nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với người khác, không đến chỗ đông người, khai báo y tế. Nếu không tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào. Người đã được tiêm vaccine cũng không được chủ quan.
Hải Phòng áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với F1 nếu đủ điều kiện
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã ban hành văn bản trong đó chỉ đạo thực hiện áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 nếu đủ điều kiện. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo thay đổi việc thiết lập vùng cách ly y tế (phong tỏa) và biện pháp cách ly y tế từ 0h ngày 9/11. Cụ thể, thiết lập vùng cách ly y tế (phong tỏa) đối với từng hộ gia đình và đồng thời áp dụng cách ly y tế đối với các trường hợp F1 tại nhà.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát từng hộ gia đình có F1 nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì ban hành Quyết định thiết lập vùng cách ly y tế (phong tỏa) đối với từng hộ gia đình và tổ chức cách ly y tế tại nhà. Tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm với định mức hỗ trợ đã quy định (45.000 đồng/người/ngày). Thực hiện giám sát chặt chẽ các hộ gia đình thực hiện phong tỏa và cách ly y tế tại nhà, đảm bảo không để các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà và người ngoài ra, vào trong thời gian thực hiện phong tỏa và cách ly y tế tại nhà.
Trường hợp các hộ gia đình không đủ điều kiện áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 (phải đưa vào các khu cách ly tập trung của thành phố) thì chính quyền địa phương vẫn quyết định việc thiết lập vùng cách ly y tế (phong tỏa) đối với hộ gia đình (đối với các F2). Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo trong trường hợp cần thiết thì quyết định thiết lập vùng cách ly y tế (phong tỏa) đối với nhiều hộ gia đình hoặc khu dân cư.