Phát triển đô thị giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ
Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch 360/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, thông minh kết nối với hệ thống đô thị trong khu vực và quốc gia. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.
Các chỉ tiêu cụ thể, gồm: Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đến năm 2025 đạt 36% trở lên, đến năm 2030 đạt 43-45%; số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 27 đô thị, đến năm 2030 khoảng 30-35 đô thị.
Đến năm 2025, 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị được phê duyệt; 100% đô thị từ loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đến năm 2025 đạt tối thiểu 28+34m2, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32+35m2; Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 10+15m2 (trong đó đất cây xanh công cộng đạt 4m2), đến năm 2030 đạt khoảng 12m2 (trong đó đất cây xanh công cộng đạt 5m2).
Đến năm 2030, xây dựng thành phố Hoàng Mai, thành phố Thái Hòa, thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương trở thành đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và quốc gia…
Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; có kiến trúc giàu bản sắc, xanh, hiện đại. Xây dựng thành công được ít nhất 02 đô thị hàng đầu cả nước, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị của tỉnh, khu vực và quốc gia. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.
Bên cạnh đó, theo Kế hoạch 360/KH-UBND, UBND tỉnh cũng quy hoạch phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 cho từng giai đoạn: Giai đoạn 2022 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh; xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các đô thị có tính động lực vùng, trọng điểm kinh tế. Hỗ trợ các địa phương thực hiện nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với khu đô thị mới, các khu chức năng để thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, bàn giao đất triển khai dự án đầu tư, phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi nhà đầu tư đầu tư chiến lược về phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, đô thị dịch vụ gắn với vùng định hướng phát triển đô thị trên toàn tỉnh. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho hoạt động thu hút đầu tư phát triển, quản lý đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, từng bước loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc về pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện...
Ngoài ra, giải pháp về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới như: Tập trung xây dựng các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị động lực của từng vùng và cả tỉnh, đô thị kết nối các tỉnh lân cận.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển đô thị Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa và các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị lớn của tỉnh.
Xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị, trong đó, thu hút các dự án tạo động lực để huy động vốn đầu tư, huy động nguồn lực cho vùng Vinh, Hoàng Mai, Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương...
Để thực hiện quy hoạch đô thị, UBND tỉnh cũng yêu cầu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh; quy hoạch các đô thị Hoàng Mai, Thái Hòa theo hướng mở rộng đô thị; hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông theo hướng hình thành đô thị động lực làm cơ sở cho công tác quản lý, đầu tư phát triển…/.