2 cách tiếp cận để Ninh Thuận phát triển đột phá
Ngày 8/6/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Thông báo nêu: Ninh Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, kiên cường, bất khuất, luôn có quyết tâm, ý chí vươn lên. Được tách ra từ tỉnh Thuận Hải, khi mới tái lập năm 1992, Ninh Thuận với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau 30 năm từ khi tái lập tỉnh, với bản lĩnh và ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã vượt khó vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tiềm năng và lợi thế, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ và phát triển vượt bậc. Quy mô GRDP năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 440 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng hơn 20%. Từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đến nay Ninh Thuận đang triển khai xây dựng cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển; đang từng bước hình thành và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững. Du lịch với những điểm nhấn ấn tượng, đang phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình. GRDP tăng 9%; sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6%....
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực còn chậm và chưa có đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường hơn các năm vừa qua, tác động không nhỏ tới đất nước ta nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Để có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần phải triển khai đồng thời 02 cách tiếp cận: (i) Tranh thủ và phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; (ii) Tạo ra cơ hội mới để thu hút nhà đầu tư, thu hút nguồn lực bên ngoài từ phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Ninh Thuận cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Ninh Thuận, từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Phải nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương; tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định với những vấn đề có tính nguyên tắc chung nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Phát triển hạ tầng chiến lược
Tỉnh cần xác định và lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm (như tháo gỡ về cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực và huy động sức mạnh toàn dân để triển khai thực hiện. Trong công tác chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, đồng bộ, làm việc nào dứt điểm việc đó; vấn đề càng khó, càng phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.
Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng phải chủ động hội nhập sâu rộng.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện, nâng cao các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin…