Nhiều tỉnh đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16
Các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đang chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Chiều 287, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã giao ban trực tuyến nhanh với 19 tỉnh, thành phố phía nam sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Không cần thêm văn bản cao hơn nữa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần lưu ý đến khả năng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, nhất là bên dưới. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho biết đã triển khai nhiều biện pháp, tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tập trung lực lượng truy vết, xét nghiệm nhằm sớm khống chế các ổ dịch, kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nhiều địa phương bày tỏ lo ngại diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, ghi nhận thêm các ca nhiễm, một số ổ dịch mới xuất hiện khi tăng cường xét nghiệm, tầm soát trong những ngày qua.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đang chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch.
Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá diễn biến dịch bệnh ở TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam còn phức tạp nhưng không phải không giải quyết được với điều kiện nhân dân phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, thực hiên tốt 5K. Thời gian qua, TPHCM đã đề ra rất nhiều giải pháp tốt nhưng quá trình thực hiện ở một số quận, huyện chưa triệt để, hiệu quả không cao. Các lực lượng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ hơn việc di chuyển của người dân trong thời gian giãn cách.
“TPHCM không cần thêm văn bản nào cao hơn nữa mà trên cơ sở những giải pháp đưa ra để hành động, xử lý triệt để hơn nữa thì hoạt động phòng, chống dịch của TPHCM sẽ hiệu quả hơn”, Thượng tướng Võ Minh Lương trao đổi.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết đã chỉ đạo Công an các tỉnh đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế người dân ra khỏi nhà, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với Bộ GTVT triển khai cấp mã QR, bộ nhận diện luồng xanh để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá; quản lý chặt chẽ phương tiện, lái xe tại các điểm giao, nhận hàng hoá.
Thời gian dập dịch dài hơn dự kiến
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đến ngày hôm nay vẫn còn rất phức tạp. Công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương phía nam sông Hậu, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào nề nếp, thực hiện rất nghiêm đến từng ngõ ngách nhưng số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng. Tình hình ở khu vực này khác so với nhiều địa phương cùng thực hiện Chỉ thị 16 và các địa phương khác trên cả nước. Do đó, vừa qua các bộ, ngành, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã vào làm việc ở đây; đi cơ sở, tìm hiểu, trao đổi và thống nhất với Thành phố nhiều giải pháp điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những giải pháp này cũng áp dụng cho các vùng lân cận như một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Mục tiêu của cả nước nói chung, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam nói riêng là làm sao dịch không lây lan, phải giảm được ca F0. Cùng với mục tiêu giảm ca F0, Thành phố Hồ Chí Minh và một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương còn phải thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là phải giảm được tỉ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng lên.
Các cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau, từ triệu chứng nhẹ, triệu chứng vừa, nặng, rất nặng, nguy kịch... phải được tăng cường trang thiết bị, nhân lực. Mỗi tầng cần làm thật tốt mục tiêu giảm tỉ lệ người điều trị bị nặng hơn. Phó Thủ tướng nêu ví dụ, những trường hợp F0 không triệu chứng cần được chăm lo tốt cả về sức khỏe và tinh thần để giảm tối đa tỉ lệ trở thành có triệu chứng. Thực tế, có những nơi làm tốt, tỉ lệ này dưới 5% và có những nơi khoảng 20-30%.
“Giặc COVID-19 đã ở ngay trước cửa”
Công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương phía nam sông Hậu, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào nề nếp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Phó Thủ tướng, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương đều đúng và đủ mạnh, tuy nhiên, cần lưu ý đến khả năng tổ chức thực hiện tất cả các cấp, nhất là bên dưới.
"Chúng ta chỉ nói đến cấp cơ sở, xã, phường là chưa đủ. Bây giờ phải nói từng khu phố, thậm chí từng cụm dân cư... phải thực hiện thật nghiêm và triệt để mục tiêu giãn cách theo Chỉ thị 16. Đấy là giải pháp căn cơ nhất. Chỉ có bằng cách giãn cách thật nghiêm, chúng ta mới làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh, cắt đứt chuỗi lây", Phó Thủ tướng nói.
Để làm như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện đúng phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", "ai ở đâu ở yên đấy", tuyệt đối không tiếp xúc gia đình với gia đình, báo ngay cho chính quyền địa phương những trường hợp ra/vào địa bàn.
Chia sẻ với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài gặp rất nhiều bất tiện, khó khăn, Phó Thủ tướng kêu gọi: Tình hình càng khó khăn, chúng ta càng phải đồng lòng, cố gắng thực hiện thật nghiêm các quy định của cơ quan chức năng, hướng dẫn của ngành y tế. "Giặc COVID-19 đã ở ngay trước cửa", nếu không thực hiện nghiêm, bản thân và những người thân sẽ bị ảnh hưởng. Khi nhiều người bị ảnh hưởng, cả khu phố, phường, quận, tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, đất nước bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách, các địa phương phải bảo đảm lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu và có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đến từng người dân. "Dứt khoát không được để ai thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống". Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu từng bước tổ chức lại việc lưu thông hàng hóa an toàn, không ách tắc trong một thời gian dài.
Thiết lập hệ thống giám sát y tế cộng đồng
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: Công an các tỉnh đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế người dân ra khỏi nhà. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng đề nghị người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Trong bối cảnh dịch đã thấm rất sâu ở cộng đồng, đòi hỏi phải có hệ thống giám sát, quản lý y tế cộng đồng, hoạt động trơn tru. Trong đó, chính quyền địa phương, nòng cốt là y tế được phân công theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng cụm gia đình và đến từng đối tượng có nguy cơ để bất kỳ ai có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc các bệnh mãn tính khác phải có hỗ trợ y tế kịp thời.
Việc này phải làm khẩn trương nhất, tổ chức trên nhiều cấp độ, có thể dùng các phương tiện liên lạc, tổng đài hay tổ chức mạng lưới của các bác sĩ tư vấn sức khỏe từ xa, trực tiếp nhất trên địa bàn là các tổ chức giám sát, quản lý sức khỏe của dân cư trên thực địa.
Phó Thủ tướng đã thống nhất với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức triển khai và hoàn thiện thật sớm nhiệm vụ này để đảm bảo người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong lúc bình thường, nhiều nơi trong hệ thống y tế đã quá tải, do đó phải làm sao đảm bảo chăm sóc và cứu chữa những bệnh nhân khác, vừa phân nhiều tầng, lớp điều trị COVID-19.
Lúc này, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, động viên kịp thời nhất cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu.
Đến nhiều khu thu dung F0, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông rất xúc động khi các y bác sĩ luôn dành sự lo lắng đầu tiên cho sức khỏe của nhân dân; đồng thời mong muốn mọi người hãy thực hiện thật tốt việc giữ khoảng cách, "hãy ở nhà để họ sớm được về nhà, gặp lại người thân".
Tổ chức đón người dân về từ vùng dịch
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cho biết đã có kế hoạch phối hợp với TPHCM, Bình Dương để tạo điều kiện thuận lợi đón người dân về quê sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19; chuẩn bị các khu cách ly tập trung…
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ, tổ chức đưa người dân từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về một cách an toàn.
Theo Phó Thủ tướng, trên thực tế, khi dịch bệnh ở các nước diễn biến căng thẳng, người dân Việt Nam ở các nước này mong muốn trở về nước. Tương tự, nhiều người dân đi làm ở các địa phương có dịch bệnh nhiễm sâu và nặng (như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) có mong muốn trở về quê do các nhà máy chưa hoạt động. Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch chi tiết, cụ thể, sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tổ chức đưa đón bà con về chu đáo và tuyệt đối an toàn.
Thông qua cơ chế Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, Hội đồng hương..., các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền bà con tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đang sinh sống; đồng thời, tổ chức đăng ký, thông báo công khai để bà con biết, tuyệt đối không để tình trạng, do không tổ chức được mà bà con phải vi phạm các quy định để tìm đường về quê.