Chính phủ các nước tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số
Trong hai năm gần đây, dưới tác động mạnh mẽ và toàn diện của đại dịch Covid-19, việc thực hiện chuyển đổi số để hướng tới một nền kinh tế số không còn là xu hướng mà gần như là yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với chính phủ các nước để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
Trong quá trình chuyển đổi trên, sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, thường được biết đến với các tên gọi như “nền kinh tế nền tảng” (the platform economy), “nền kinh tế chia sẻ” (the “sharing economy”) hoặc nền kinh tế với các giao dịch ngang hàng (the peer to peer economy) đã đặt ra một số vấn đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là đối với vai trò quản lý nhà nước của chính phủ các nước. Theo đó, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở xác định rõ các đặc trưng của mô hình kinh doanh mới so với mô hình kinh doanh “truyền thống”, chính phủ các nước cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Kịp thời ban hành chính sách để Bảo vệ người tiêu dùng.
Chính phủ mỗi nước đã và đang trong trạng thái sẵn sàng để nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, từ đó, thực hiện các chính sách và đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số. Các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng được đưa ra mang tính trung lập về mặt công nghệ và bao trùm các vấn đề về công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cơ quan quản lý theo dõi thường xuyên và phân tích sự phát triển, thay đổi trên thị trường kỹ thuật số để đảm bảo rằng người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ và có thể hưởng lợi từ các thị trường đó.
- Năm 2016: Pháp đã thông qua Đạo luật Cộng hòa Kỹ thuật số, trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trung gian trực tuyến phải thông báo cho người tiêu dùng các nội dung chẳng hạn như: vai trò của doanh nghiệp, vị trí của từng chủ thể có liên quan, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Năm 2018: Vương quốc Anh đã xuất bản Sách Trắng về hiện đại hóa thị trường tiêu dùng, Sách Xanh về người tiêu dùng và đã thực hiện Đánh giá Dữ liệu thông minh. Theo đó đã nêu lên một số thách thức do công nghệ và mô hình kinh doanh mới tạo ra đối với quyền lợi của người tiêu dùng.
- Năm 2019: Liên minh châu Âu đã và đang dự thảo quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin đối mô hình kinh doanh nền tảng.
Tăng cường năng lực của cơ quan thực thi
Quá trình chuyển đổi số yêu cầu sự đồng bộ và nhanh chóng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số. Do vậy, để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, chính phủ các nước đang xây dựng, bố trí nguồn lực phù hợp nhằm đảm bảo theo kịp sự phát triển của trình độ khoa học, công nghệ thông tin, cụ thể như:
- Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh sự phối hợp với các tổ chức cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh nền tảng, hỗ trợ xây dựng các chiến lược, chính sách kinh doanh phù hợp để vừa đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
- Xây dựng và triển khai quy trình, công cụ, phương tiện để hỗ trợ người tiêu dùng trong các giao dịch kinh doanh trên nền tảng công nghệ, kĩ thật số cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
- Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh cơ chế phối hợp, tăng cường việc giám sát thị trường…
Thúc đẩy hợp tác nội bộ và quốc tế
Quá trình chuyển đổi số không chỉ kết nối các lĩnh vực kinh tế trong phạm vi một quốc gia mà còn chú trọng và đặt ra yêu cầu mở rộng kết nối xuyên quốc gia để phối hợp giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, với phạm vi tiêu dùng liên quan đến nhiều lĩnh vực và hoạt động tiêu dùng mở rộng ra khỏi biên giới của đất nước, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, phối hợp không chỉ với các cơ quan quản lý chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, các bộ, ban, ngành, địa phương tại quốc gia mà cần có sự phối hợp đồng bộ, xây dựng những thỏa thuận, hiệp ước và thống nhất về quy định quốc tế đối với các cơ quan cùng cấp tại các quốc gia khác nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng toàn diện và đầy đủ.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề
Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng đưa ra các đánh giá và cơ chế khuyến khích, ghi nhận sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Việc ghi nhận này đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng hơn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngay từ việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh doanh mới.
Bên cạnh vai trò của các doanh nghiệp riêng rẽ thì các hiệp hội ngành nghề cũng tạo ra các cơ chế để tham gia vào công tác bảo vệ người tiêu dùng. Thông qua các tổ chức này, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng dễ đạt được sự đồng thuận trong triển khai và tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cùng thống nhất thực hiện.
Chẳng hạn, tại Canada, quy trình tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng được xây dựng trên những nỗ lực tự nguyện nhằm tận dụng kiến thức chuyên môn từ tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc đề xuất các giải pháp để tăng cường bảo mật thông tin trong thời đại số. Trong quá trình xây dựng và phát triển sáng kiến, đề xuất liên quan đến vấn đề này đã thúc đẩy liên kết và hình thành một mạng lưới kết nối các cá nhân, tổ chức hợp tác phát triển và thực hiện các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo mật thông tin cá nhân (Báo cáo của Hiệp hội Internet, 2019).