Đổi mới và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Đây là lần đầu tiên hội thảo về phát triển nguồn nhân lực được tổ chức ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên hội thảo gắn các vấn đề truyền thống về phát triển nguồn nhân lực với vấn đề đổi mới và sáng tạo trong kỷ nguyên số.
Từ ngày 5-8/11, hơn 120 đại biểu đến từ 17 quốc gia bao gồm nhiều học giả, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản trị nhân lực cùng thảo luận các nghiên cứu tập trung vào 10 nhóm vấn đề, khía cạnh khác nhau liên quan tới phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực trong nước, khu vực và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực và phát triển bền vững; phát triển năng lực lãnh đạo; đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo tại nơi làm việc; phát triển nghề nghiệp; phát triển tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục; trách nhiệm xã hội và đạo đức trong phát triển nguồn nhân lực; công nghệ thông tin và truyền thông với phát triển nguồn nhân lực; các vấn đề mới và đổi mới sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: Một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề tăng năng suất lao động. Trong những năm qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, bình quân gần 5%/năm trong suốt giai đoạn từ 2011 tới nay. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ASEAN đã được thu hẹp đáng kể nhưng khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn còn cao. Chính vì vậy, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình các nước trong khu vực là một nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được coi là một trong ba giải pháp chiến lược, mang tính đột phá để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, đổi mới giáo dục đại học được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. Song, so với khu vực và thế giới, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn khoảng cách không nhỏ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động.
Trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và CMCN 4.0 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cần phải đổi mới cả mô hình và cơ cấu, từ trạng thái tư duy chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời sang trạng thái phải học suốt đời mới đủ khả năng làm việc suốt đời.
Tại hội thảo, nhiều học giả, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nhân lực nhận định, phát triển nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô và vi mô là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh CMCN 4.0, vì nguồn nhân lực quyết định năng suất, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Đội ngũ nhân lực không chỉ cần nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn phải sở hữu khả năng thích ứng nhanh với yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời, phải có khả năng hội nhập nhanh trong môi trường quốc tế. Trong các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực cần phải được đánh giá và triển khai một cách hiệu quả và toàn diện hơn.