Mối quan hệ của thương mại điện tử với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (phần 1)
Hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Đồng thời, hầu hết các quốc gia đều đang chuyển dịch sang nền kinh tế số, với cốt lõi là thương mại điện tử. Thương mại điện tử có liên kết chặt chẽ với 10 mục tiêu trong số 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, đây là một tín hiệu khá tích cực, tuy nhiên, việc thương mại điện tử hỗ trợ đạt được các mục tiêu đó cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng.
Vào tháng 9 năm 2015, trong Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững ở New York, 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã chính thức thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững mới “Biến đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Kế hoạch này bao gồm 17 mục tiêu và 169 nhiệm vụ. Mục tiêu của chương trình này là cải thiện chất lượng cuộc sống và triển vọng cho nhân loại. Một trong những mục tiêu của phát triển bền vững là đảm bảo quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tiêu dùng và sản xuất bền vững liên quan đến việc thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu, đảm bảo việc làm xanh và bền vững cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Tiêu dùng và sản xuất bền vững cũng liên quan đến việc thu hút người tiêu dùng thông qua các sáng kiến giáo dục và đào tạo về lối sống và tiêu dùng bền vững. Kế hoạch của Liên hợp quốc cho rằng việc thực hiện chiến lược hành động chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững cần được thực hiện với sự tham gia của tất cả các quốc gia, trong đó các nước phát triển phải đi đầu, dựa trên sự phát triển và tiềm năng của các quốc gia này.
Đồng thời, Chính phủ tất cả các nước đều đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế số, nền kinh tế này có tác động đáng kể đến mọi lĩnh vực của đời sống. Nền kinh tế số đang trở thành nền tảng cho việc thực hiện tiêu dùng bền vững. Một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế số ngày nay là thương mại điện tử. Trong vài năm qua, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống bán lẻ toàn cầu. Khi lượng truy cập Internet phát triển vô cùng nhanh chóng trên toàn thế giới, số lượng người mua hàng trực tuyến tiếp tục tăng hàng năm.
Thương mại điện tử là hoạt động tiếp thị, mua bán hàng hóa và dịch vụ trên Internet. Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Về thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Thương mại điện tử tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Trong những năm gần đây, Trung Quốc dẫn đầu về doanh thu thương mại điện tử trên thế giới. Thương mại điện tử bao gồm việc phân phối và bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet. Xương sống của thương mại điện tử là phân phối hàng hóa, nhưng ngày nay ngày càng có nhiều dịch vụ được cung cấp trực tuyến, bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tạo động lực mới cho sự phát triển của thương mại điện tử, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế...
Thương mại điện tử có thể tác động đến việc đạt được các Mục tiêu | Các Mục tiêu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử | Các Mục tiêu không liên quan đến thương mại điện tử |
Mục tiêu 1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi Mục tiêu 2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững. Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Mục tiêu 8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người. Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia. Mục tiêu 12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững. Mục tiêu 13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Mục tiêu 17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. | Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới. | Mục tiêu 6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người. Mục tiêu 7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người. Mục tiêu 11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững. Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững. Mục tiêu 15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học. Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp. |
Mối liên hệ giữa thương mại điện tử và việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững
Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
Việc đạt được Mục tiêu 9 là cần thiết cho sự phát triển lâu dài của thương mại điện tử và sự tăng trưởng của thị trường điện tử. Công nghệ có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống. Internet và thông tin liên lạc di động đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với gần như toàn thế giới. Hai loại hình giao tiếp này là cốt lõi của công nghệ thương mại điện tử. Theo Statista, tính đến tháng 1 năm 2024, đã có 5,35 tỷ người dùng Internet trên toàn thế giới, chiếm 66,2% dân số toàn cầu. Trong tổng số này, 5,04 tỷ người, tương đương 62,3% dân số thế giới, là người dùng mạng xã hội.
Châu Á là nơi có số lượng người dùng trực tuyến lớn nhất trên toàn thế giới - hơn 2,93 tỷ người theo số liệu mới nhất. Châu Âu đứng thứ hai với khoảng 750 triệu người dùng internet. Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ xếp trước các quốc gia khác trên toàn thế giới về số lượng người dùng Internet. Mức độ thâm nhập của Internet khác nhau tùy theo khu vực trên thế giới có ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của thương mại điện tử.
Sau đây là đánh giá về 10 mục tiêu mà thương mại điện tử có thể tác động cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Mục tiêu 1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
Mục tiêu này có thể đạt được một phần thông qua việc thương mại điện tử cung cấp việc làm mới cho các công ty công nghệ. Đồng thời, việc tham gia vào thương mại điện tử đòi hỏi phải có chi phí, chẳng hạn như chi phí cho Internet và các thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên, người dân chưa có điều kiện kinh tế có nhiều khả năng thiếu trình độ học vấn và kỹ năng kỹ thuật số để tham gia giao dịch thương mại điện tử một cách bình đẳng.
Mục tiêu 2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Thương mại điện tử mang lại quyền tiếp cận bình đẳng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thông tin về thị trường lương thực và giá lương thực đã và đang được công bố rộng rãi và kịp thời trên các nền tảng thương mại điện tử.
Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
Một trong những nhiệm vụ của Mục tiêu 3 là bảo đảm sức khỏe toàn dân, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, thuốc và vắc xin thiết yếu có chất lượng, đầy đủ, giá cả phải chăng. Giờ đây, đại dịch Covid-19 đã thay đổi sở thích của người tiêu dùng trên thị trường điện tử. Ngày càng có nhiều người dùng internet sử dụng thương mại điện tử để mua thuốc. Y tế điện tử (e-health) đang trở nên phổ biến, đây là việc sử dụng công nghệ để chăm sóc bệnh nhân, đào tạo nhân viên y tế, phát hiện bệnh và theo dõi bệnh nhân.
Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Nhiều dự án giáo dục trực tuyến hiện đang được giới thiệu trên thị trường điện tử, từ những dự án nổi tiếng về giáo dục trực tuyến đại chúng như Coursera đến những dự án nhỏ có trọng tâm hẹp, chẳng hạn như dạy trẻ em vẽ trên các nền tảng trực tuyến. Đại dịch Covid-19 đã tạo động lực mới cho sự phát triển của các dự án thương mại điện tử trong các lĩnh vực này. Các tổ chức giáo dục trước đây không cung cấp dịch vụ trực tuyến buộc phải áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và tham gia thị trường điện tử hoặc đối diện với lựa chọn dừng hoạt động. Ngay cả khi Covid-19 kết thúc, phân khúc này vẫn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng vì cộng đồng nhận thấy được lợi ích của hoạt động giáo dục trực tuyến. Ví dụ, không cần thuê thêm địa điểm để tổ chức lớp học và in ấn tài liệu phát tay, tiết kiệm thời gian và chi phí, trải nghiệm học tập đa dạng…
Hướng tới việc phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam, năm 2023, Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức Hội nghị thương mại điện tử liên kết vùng kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, với 02 diễn đàn: đẩy mạnh thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy thương mại điện tử liên kết vùng tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua nghiên cứu chính sách và thực tiễn. Với những nội dung thúc đẩy liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, thông qua các mô hình liên kết, kết hợp giữa thương mại điện tử và tối ưu hóa logistics, các diễn giả đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như các đối tác đã trình bày được những nội dung giải pháp thiết thực có thể trực tiếp giúp doanh nghiệp khu vực các tỉnh phía Nam một mặt đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử, mặt khác tiếp cận các phương thức xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới B2B, B2C, B2B2C… Cùng với đó, các phương thức vận chuyển thương mại điện tử trong nước cũng như xuất khẩu, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu qua tuyến đường sắt từ các tỉnh khu vực phía Nam ra các ga cửa khẩu phía Bắc, sang thị trường Trung Quốc và hướng tới các thị trường Nga, EU… cũng được trình bày chi tiết tại Hội nghị. (còn tiếp)