Hợp tác địa phương tạo động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19
Sáng 14-4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”.
Về phía đại biểu Cộng hòa Pháp có: Bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng Đoàn chính thức của Pháp; ông Jean-Paul Guihaumé, Đại sứ đặc trách Ngoại vụ địa phương, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp; ông Jean-Claude Dardelet, Phó thị trưởng thành phố Toulouse, Pháp.
Cùng dự còn có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các chính quyền địa phương, đại diện các hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhân sĩ trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp.
Với chủ đề "Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID-19", Hội nghị năm nay sẽ tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp. Hội nghị cũng sẽ trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi để củng cố và tăng cường quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới giữa các địa phương hai nước.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa TP. Hà Nội và Vùng Ile-de-France. Đến nay, đã có trên 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 22 địa phương của Pháp hợp tác với 55 dự án và thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Các dự án hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của địa phương hai nước như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn-bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, y tế phát triển bền vững, môi trường, nông nghiệp và nông thôn. Hiện có 3 đơn vị hành chính Pháp có đại diện tại Việt Nam gồm Hội đồng Vùng Ile-de-France tại TP. Hà Nội; Hội đồng Vùng Nouvelle-Anquitaine tại Lào Cai, và Hội dồng tỉnh Val-de-Marne tại Yên Bái. Việc các đơn vị hành chính lãnh thổ của Pháp đặt văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam chứng tỏ sự gắn bó lâu dài giữa các địa phương hai nước.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tổng thể các lĩnh vực và tầng bậc hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, hợp tác giữa các địa phương hai nước đã trở thành nét đặc trưng và là một điểm sáng. Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên. Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này, với 240 dự án hợp tác giữa địa phương hai nước; tập trung vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững… Chủ đề của Hội nghị và các phiên thảo luận thể hiện rõ yêu cầu, đồng thời cũng là thách thức cho các địa phương Việt Nam và Pháp trong bối cảnh mới; hướng tới tìm kiếm, xác định nhận thức chung và mục tiêu cho phát triển hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp trong những năm tiếp theo.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp không chỉ là một kênh quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân hai nước mà còn là nét độc đáo trong tổng thể quan hệ Việt-Pháp bởi Pháp là nước duy nhất Việt Nam có cơ chế hợp tác cấp địa phương mang quy mô toàn quốc. Phó Thủ tướng cho rằng chủ đề của Hội nghị thể hiện rõ nhu cầu, mục tiêu hợp tác và quyết tâm của các địa phương hai nước cùng chung sức để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác ở cấp địa phương nói riêng và cấp quốc gia giữa Việt Nam và Pháp nói chung. Phó Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị sẽ đưa ra được nhiều đề xuất, giải pháp có tính khả thi cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội và dự án hợp tác mới cho địa phương hai nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 chuyên đề: Đô thị bền vững; môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa, với sự tham dự của hơn 800 đại biểu đến từ 50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương của Pháp. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp là cơ chế trao đổi thường kỳ duy nhất giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, diễn ra 3 năm/lần. Đây cũng là cơ chế hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét về số lượng đối tác tham gia, cũng như mức độ cam kết tài chính và quy mô hợp tác.