Chuyển đổi số trong quá trình chuyển dịch năng lượng thúc đẩy lộ trình phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam
Từ ngày 24-27/10, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức “Tọa đàm Chuyển dịch năng lượng công bằng, Chuyển đổi số và Bình đẳng giới”.
Tọa đàm là dịp để các chuyên gia chia sẻ, trao đổi và tạo ra cơ hội nắm bắt các xu hướng mới trong các lĩnh vực bao gồm: chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số cũng như các hoạt động về bình đẳng giới trong ngành năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới.
Tham gia tọa đàm là những chuyên gia, khách mời đến từ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bao gồm: ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN; bà Regina Ecker - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam – Lào; ông Peter Govindasamy - Chủ tịch Ủy ban Chuyên gia về tác động của việc thực hiện các biện pháp ứng phó tại Katowice, Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu; ông Koos Neefjes - Chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giám đốc Climate Sense Việt Nam; bà Vũ Chi Mai - chuyên gia cao cấp của GIZ; bà Julia Behrens - Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu và Năng lượng khu vực châu Á tại Viện FES; ông Phạm Ngọc Toàn - Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Tại ngày đầu tiên của buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các bài tình bày đến từ các chuyên gia về chuyển dịch năng lượng công bằng và chuyển đổi số trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời tham gia hai phiên tọa đàm với nội dung: "Các điều kiện cho chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam" và "Chuyển đổi số để thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải các-bon".
Việc chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ thay đổi mọi khía cạnh của xã hội và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ngành nghề mới, cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ trở thành động lực góp phần phát triển ngành năng lượng xanh ở Việt Nam. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chuyển dịch năng lượng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, một số thách thức đáng chú ý trong quá trình bắt đầu chuyển dịch năng lượng để đảm bảo tính công bằng là: rủi ro xung đột đất đai, đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân địa phương, đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo chế độ phúc lợi và quyền lao động cơ bản...Đồng thời, để đạt được mục tiêu hài hoà lợi ích các bên liên quan, việc cần làm nhất chính là thúc đẩy trao đổi thông tin và học hỏi từ các quốc gia có bối cảnh tương đồng với Việt Nam.
Những vấn đề được đưa ra trao đổi trong buổi Tọa đàm đều xoay quanh các vấn đề mà ngành Điện Việt Nam và ngành Điện thế giới đang rất quan tâm, đó là tính phân tán của các nguồn năng lượng, phấn đấu giảm phát thải các-bon, xu hướng chuyển đổi số và tăng cường vai trò của nữ giới trong chuyển đổi số. Hiện nay, quá trình điện khí hoá đang diễn ra rất tích cực đi kèm với sự phát triển của các nguồn năng lượng phân tán, chuyển đổi số đang góp phần giảm bớt chênh lệch cung - cầu năng lượng, đồng thời tạo các nền tảng số để các khách hàng tiêu thụ năng lượng có thể tương tác trực tiếp trong việc cân bằng cung - cầu theo thời gian thực.
Chuyển đổi số có thể khuyến khích người tiêu dùng thuộc mọi thành phần phụ tải tham gia tích cực vào các hoạt động của hệ thống năng lượng. Các công nghệ số có tiềm năng thúc đẩy các hệ thống năng lượng ở Việt Nam theo hướng tăng cường kết nối, hoạt động thông minh, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững.
Là đơn vị luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, trong thời gian tới, GIZ khẳng định sẽ tiếp tục và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ Việt Nam nói chung, EVN nói riêng để góp phần vào quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, trong đó có việc thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, đồng thời thúc đẩy Việt Nam đạt được các cam kết của mình tại COP26.