Cam kết của Việt Nam tại COP26 là một bước ngoặt lịch sử
Theo chuyên gia về môi trường, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, Việt Nam sẽ cần quyết tâm cao để hiện thực hóa cam kết này do phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế.
Hà Nội thí điểm đo kiểm xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu () vừa diễn ra trong tháng 11 này tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, đánh giá về cam kết mạnh mẽ trên, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng đây là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa chúng ta hội nhập cùng khoảng 140 nước trên thế giới thực hiện NetZero vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo , Việt Nam sẽ cần quyết tâm cao để hiện thực hóa cam kết này do phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế.
Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng nhận định: "Hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế và các cam kết môi trường toàn cầu thường là một việc không dễ thực hiện, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ở các nước này, nhu cầu phát thải trong mô hình tăng trưởng truyền thống còn tiếp tục tăng, trong khi nguồn lực để chuyển đổi sang dạng thức phát triển xanh còn nhiều hạn chế."
Theo chuyên gia này, tuy phải đối mặt với thách thức, song Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để thực hiện cam kết, đồng thời chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh, bền vững sau đại dịch, thông qua nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế.
Để hiện thực hóa cam kết, việc tiếp theo Việt Nam cần thực hiện là xây dựng kế hoạch cụ thể và có tính khả thi để đưa phát thải ròng về 0. Kế hoạch này cần có mục tiêu rõ ràng và kỳ vọng cao, phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, kèm theo cơ chế giám sát đánh giá chặt chẽ.
Về một số giải pháp để thực hiện cam kết, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng cho rằng Việt Nam cần xem xét lại dự kiến nhập khẩu khí hóa lỏng để thay thế điện than.
Khí hóa lỏng không phải năng lượng phi carbon. Hơn nữa, sẽ mất nhiều năm để đầu tư một khoản rất lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện khí nhập khẩu.
Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1 với 9 trụ tua bin đã hoàn thành việc lắp đặt. (Ảnh: TTXVN phát)
Việc này tạo rủi ro lớn về lãng phí nguồn lực, bởi khi các dự án điện khí xây xong thì giá thành đã trở nên quá cao so với các năng lượng tái tạo phi carbon như mặt trời và gió.
Hiện tại giá công nghệ của năng lượng gió và mặt trời đang ở mức có thể cạnh tranh được với điện khí, và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Australia cho thấy, Việt Nam có tiềm năng đạt trên 90% tỷ lệ điện từ gió và mặt trời kèm thủy điện tích năng, với chi phí hợp lý.
Thành công ban đầu của Việt Nam trong phát triển điện mặt trời và điện gió là rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy. Đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi có tiềm năng đáng kể để cấp điện và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính là 475 GW ở các vùng biển cách bờ 200km, gấp khoảng 8 lần tổng công suất đặt của cả nước năm 2020.
Nếu thay điện than bằng 25 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể giảm được 200 triệu tấn CO2 phát thải, gần 1/3 tổng dự báo phát thải trong kịch bản thông thường của ngành năng lượng đến 2030.
Do đó, theo chuyên gia Đại học Quốc gia Australia, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam cần tăng tỷ lệ và mặt trời.
Các giải pháp quan trọng khác của ngành điện là tăng hiệu suất năng lượng, nâng cấp hệ thống truyền tải, dự trữ năng lượng, và xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Ngoài ngành điện, nhiệm vụ giảm phát thải cần được thực hiện đồng bộ bởi các ngành khác. Việt Nam cần ban hành chính sách khuyến khích phát triển phương tiện xe điện, tiếp tục giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai vận hành thị trường cácbon.
Các mục tiêu và nhiệm vụ cần được thể hiện rõ trong các kế hoạch phát triển của ngành và địa phương, đặc biệt là Quy hoạch Tổng thể Năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang sắp ban hành.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giảm phát thải carbon do phá rừng và suy thoái rừng cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0, đồng thời huy động được các nguồn tài chính quốc tế.
Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng lưu ý, hợp tác quốc tế có vai trò then chốt cho Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng về 0.
Hội nghị COP26 đã đưa ra nhiều kết quả được kỳ vọng sẽ dẫn đến tăng hỗ trợ của các nước phát triển cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Hỗ trơ quốc tế sẽ giúp chúng ta tận dụng được các cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ và phát triển rừng, ứng dụng công nghệ mới, và chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng xanh./.