Nạp Tiền 188bet - Cá cược thể thao trực tuyến và sòng bạc trực tiếp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử nghiêm những vi phạm trắng trợn về an toàn vệ sinh thực phẩm

Những tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đợt ra quân thực hiện chủ đề năm 2020 “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bị xử phạt.

Thực phẩm không an toàn không thể xuất khẩu

Năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP tổ chức sáu đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lạng Sơn và Bắc Giang. Theo Đoàn kiểm tra số 3 kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La, chúng tôi chứng kiến phong cách làm việc rất nghiêm túc, khẩn trương của Đoàn. Thành viên Đoàn kiểm tra gồm các chuyên gia từ các vụ, viện thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, do ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) làm Trưởng đoàn.

Kiểm tra một số doanh nghiệp tại tỉnh Hòa Bình cho thấy, các doanh nghiệp đã chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các điều kiện về ATTP, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như Công ty TNHH Pacific. Ông Phạm Duy Khoa, Phó Giám đốc Công ty này cho biết, Công ty chuyên trồng, thu mua, chế biến nông sản và toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để đáp ứng các tiêu chí về ATTP của Nhật Bản, những năm qua, Công ty đã đầu tư rất lớn vào cơ sở vật chất, nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực phẩm đồ uống rất nhạy cảm với người tiêu dùng, ý thức điều này, Công ty cổ phần Tập đoàn IBB, một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm đồ uống, thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP cho người lao động trực tiếp, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ hơn 70% là tự động hóa, nhờ đó các tiêu chí ATTP dễ đạt được hơn.

Tại Sơn La, Đoàn kiểm tra số 3 đã kiểm tra thực tế công tác bảo đảm ATTP tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản BHL Sơn La (BHL Sơn La) và VinMart Sơn La. BHL Sơn La chuyên sản xuất sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống và xuất khẩu, Công ty đã tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ trong nước và đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của các cơ quan nhà nước trong các đợt kiểm tra về ATTP.

Sơn La có lợi thế sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều loại nông sản đặc sản, thị trường xuất khẩu mở rộng tới các nước như Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp tại Sơn La đã đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiến tới xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết, để có thể mở rộng thị trường nông sản, thâm nhập các thị trường mới qua việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trước hết phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện về ATTP theo quy định của các nước đã ký cam kết. Tỉnh Sơn La xác định đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức để hội nhập sâu và hiệu quả. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở sản xuất và người nông dân đáp ứng được các điều kiện này. Tin mừng là đầu năm nay, vùng xoài huyện Yên Châu tỉnh Sơn La đã xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Sau khi kiểm tra thực tế tại nhiều đơn vị, Đoàn kiểm tra số 3 đã trao đổi, đề xuất với các địa phương nhiều giải pháp về quản lý ATTP. Ông Nguyễn Việt Tấn, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành nhấn mạnh những nỗ lực của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đạt được, đề nghị Ban Chỉ đạo ATTP các tỉnh cùng với các đơn vị của tỉnh giám sát và khắc phục những vấn đề còn hạn chế, tồn tại ở các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các đơn vị không chấp hành đúng quy định về thực hiện bảo đảm vệ sinh ATTP. Các tỉnh cần phải tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước về ATTP đến mọi đối tượng trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất có tính chất nhỏ lẻ, thủ công, thời vụ nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Ngay từ đầu năm và trong “Tháng hành động vì ATTP” từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, nhiều cơ quan, địa phương đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra song song với truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP. Theo ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, công tác truyền thông, giáo dục về ATTP được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong việc đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm về ATTP, kịp thời lồng ghép truyền thông về ATTP với truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về ATTP. Trong tháng hành động về ATTP, tỉnh Sơn La đã thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tại các địa phương, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP thông qua hệ thống loa phát thanh tại thôn, bản, tổ dân phố.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020, tỉnh đã phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP. Hòa Bình là địa bàn cung cấp thực phẩm cho đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, do đó việc bảo đảm ATTP càng phải được đề cao. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, mía tím, rau hữu cơ, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà, mật ong… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap, được cấp nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nổi bật là cam Cao Phong với hơn 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 kiểm tra tại Vinmart Sơn La

Hòa Bình cũng hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cung ứng hơn 10 triệu tem truy xuất nguồn gốc. Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tỉnh thường xuyên tổ chức Lễ hội cây ăn quả có múi, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hòa Bình. Các hoạt động quảng bá đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm.

Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh Hòa Bình kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định về ATTP. Luật ATTP cần nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP để bảo đảm tính răn đe. Tỉnh đề nghị các bộ, ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; cung cấp các trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP; cấp kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt ISO 17025 và được chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường xử phạt, cảnh báo vi phạm

Đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nhiều cơ sở vi phạm và cảnh báo, chấn chỉnh nhiều cơ sở khác. Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020, Cục Quản lý thị trường Sơn La đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó đã xử lý 35 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính 79,3 triệu đồng.

Tỉnh Long An đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại nhiều huyện, thành phố, thị xã. Trong số 59 cơ sở được kiểm tra, có 41 cơ sở đạt yêu cầu ATTP, chiếm tỷ lệ 69%. Số cơ sở vi phạm chờ xử lý là 18 cơ sở. Tỉnh Bình Định tiến hành thanh tra chuyên đề từ ngày 28-4 đến ngày 13-5, đối với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm lớn, các bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thanh tra đã xử lý năm cơ sở vi phạm với số tiền phạt là 14 triệu đồng…

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục ra cảnh báo việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với công dụng không đúng sự thật, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định về quảng cáo. Vừa qua, Cục ATTP đưa ra cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) GHV Ksol; GHV Bone và GENK STF. Các sản phẩm này được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thậm chí chữa được bệnh ung thư, bệnh mãn tính để đánh lừa người tiêu dùng. Cục ATTP đang phối hợp các cơ quan chức năng xử lý những vụ việc quảng cáo trên internet như vậy. Cục đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Ngày 4-5, Cục ATTP đã quyết định thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Tâm Đức, Công ty TNHH phát triển y tế USA, Công ty TNHH Phát triển y tế Nano France và Công ty TNHH Phát triển y tế Hinew.

Sau thanh tra, trang web của Cục ATTP công khai nhiều cơ sở vi phạm về ATTP trong tháng 2 và 3. Cụ thể, Công ty cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam (TT 10-11 Khu ĐTM Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra Xoan gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra Xoan. Công ty TNHH kinh doanh dược phẩm Bảo An (tầng 9, tòa nhà Intracom số 33 đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng Vương Liễu số 1, Vương Liễu số 2 không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được Cục ATTP xác nhận, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Công ty cổ phần Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Đức (số 32, ngõ 47, phố Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Kocol gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trong thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm ATTP vừa có ý nghĩa về bảo vệ sức khỏe vừa trực tiếp thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, quảng cáo sai sự thật lan tràn trên internet, liều lĩnh và bất chấp pháp luật, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan, nhất là ngành y tế, công an, thương mại. Cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn, các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hữu quan để đạt kết quả cao hơn.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website