Nạp Tiền 188bet - Cá cược thể thao trực tuyến và sòng bạc trực tiếp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của Tuyển khoáng trong phát triển bền vững ngành công nghiệp Mỏ

Công nghiệp Mỏ bao gồm khai thác, chế biến khoáng sản (trong đó có tuyển làm giàu khoáng sản) là ngành công nghiệp quan trọng, sản xuất ra nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, có vai trò lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Phát triển công nghiệp Mỏ là tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo mục tiêu do Đảng, Chính phủ đã đề ra cho hiện tại và những năm tới, do đó, xây dựng các định hướng, giải pháp phù hợp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường là xu hướng trong hiện tại, trung và dài hạn của ngành công nghiệp Mỏ nói chung và ngành tuyển khoáng Việt Nam nói riêng.

Bài viết giới thiệu xu hướng phát triển công nghiệp Mỏ theo hướng bền vững của thế giới và đề xuất một số giải pháp để ngành tuyển khoáng Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp Mỏ.

I. Mở đầu
 
Phát triển bền vững là một khái niệm ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, có nhiều cách diễn giải khác nhau, nhưng cách diễn giải phổ biến nhất, được chấp nhận nhiều nhất là cách diễn giải khái niệm nêu trong báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới năm 1987 như sau: “Phát triển bền vững là phát triển để thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới khả năng thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai” (Rogers et al,. 2008).
 
Với cách hiểu này, trong công nghiệp Mỏ nói chung và ngành Tuyển khoáng làm giàu khoáng sản nói riêng thì phát triển bền vững có nghĩa là khai thác, chế biến khoáng sản để đáp ứng nhu cầu của của phát triển xã hội hiện tại nhưng phải đảm bảo giữ gìn môi trường sống không bị phá hủy cũng như giữ gìn nguồn tài nguyên đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của nhân loại. Đây thực sự là một thách thức khi khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, sẽ cạn kiệt theo thời gian khai thác đồng thời, khai thác, chế biến khoáng sản đồng nghĩa với việc sẽ phá hủy hay gây ảnh hưởng tiêu cực tới thảm thực vật, môi trường sống của động vật, làm biến đổi địa hình, cấu trúc địa chất trong vùng dự án mỏ.
 
Khai thác và chế biến khoáng sản để đáp ứng nhu cầu nguyên, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu tất yếu của xã hội loài người ở trình độ khoa học công nghệ hiện nay, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm ra các giải pháp để vượt qua những thách thức nêu trên, vừa khai thác khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại vừa đảm bảo hạn chế ở mức thấp nhất các nguy cơ gây ô nhiễm - suy thoái môi trường cũng như khai thác, chế biến, và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên khoáng sản có tính đến nghiên cứu, phát triển các nguyên, vật liệu thay thế để giảm thiểu khối lượng khai thác tài nguyên, để dành cho các thế hệ tương lai.
 
II. Xu hướng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản
 
II.1- Xu hướng chung của thế giới
 
Theo định hướng phát triển bền vững, nhiệm vụ của ngành công nghiệp Mỏ không chỉ là làm thế nào để khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu nhiên,  nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác mà còn để công nghiệp Mỏ trở thành một phần không thể tách rời, đóng vai trò quan trọng trong một nền kinh tế phát triển bền vững.
 
Hiện nay, các hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Mỏ mới thường giới hạn ở vấn đề giảm thiểu năng lượng sử dụng, hạn chế các tác động tiêu cực tới các thành phần môi trường như đất, nước và không khí trong quá trình hoạt động và giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác. Nhu cầu về một cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để quản lý trong suốt quá trình từ khai thác khoáng sản, chế tạo sản phẩm và tiêu dùng cũng đã được đề cập đến trong tầm nhìn của ngành công nghiệp Mỏ thế giới nhưng vẫn còn hạn chế trong việc thực hiện. Khái niệm phát triển bền vững ngành công nghiệp Mỏ cần được xem xét, đánh giá và đề xuất các giải pháp tổng thể trong cả quá trình, từ khai thác, chế biến, sử dụng, và tái sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc khoáng sản, hơn là chỉ quan tâm đến các vấn đề trong quá trình khai thác và chế biến (Giurco et al., 2009).  
 
Quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh trên toàn cầu cũng sẽ tác động đến ngành công nghiệp Mỏ ở cả góc độ đòi hỏi phải cắt giảm lượng phát thải carbon, cắt giảm nhiên liệu do giá tăng cao và góc độ khan hiếm nguồn tài nguyên nước (Young & Sachs, 1994; von Hauff & Wilderer, 2008). Vì vậy, các công nghệ nhằm giảm thiểu giảm sử dụng nhiên liệu, năng lượng, giảm sử dụng nước trong quá trình tuyển khoáng,… mặc dù đã được quan tâm như đã đề cập ở trên nhưng cũng sẽ được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa trong xu hướng phát triển ngành công nghiệp Mỏ những giai đoạn tới. Ngoài ra, cũng cần phát triển các giải pháp công nghệ làm giảm thiểu lượng chất thải của ngành công nghiệp Mỏ để hạn chế nguy cơ tác động tiêu cực tới cảnh quan và ô nhiễm môi trường. 
 
Xu hướng tái sử dụng các sản phẩm và tái chế nguyên liệu nói chung và nguyên liệu có nguồn gốc khoáng sản nói riêng đang ngày càng được quan tâm ở hầu hết các nước, đặc biệt là các nước phát triển. Nguyên nhân là do sự suy giảm về nguồn nguyên liệu, nhiều loại nguyên liệu khoáng đang dần cạn kiệt, sẽ gây thiếu hụt nguyên liệu cho các ngành công nghiệp nếu không tìm ra các nguồn mới hoặc các nguyên liệu thay thế (Gordon et al., 2006; Gordon & Tilton, 2008). Chẳng hạn đồng có thể khan hiếm và trở lên đắt hơn nhưng cũng có thể trở nên sẵn có nếu phát triển công nghệ có thể khai thác và chế biến với hàm lượng nhỏ (quặng chất lượng thấp) (Tilton & Lagos, 2007). Tỉ lệ nguyên liệu khoáng/kim loại trong vỏ Trái đất, trong sử dụng, và trong chất thải cũng được coi là một chỉ số có thể đánh giá được mức độ khan hiếm của tài nguyên khoáng sản (Gordon et al., 2006). Với những khoáng sản có chỉ số khan hiếm cao thì xu hướng phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng, hoặc tìm kiếm nguyên liệu thay thế là xu hướng tất yếu. Chẳng hạn, ở Nhật, người ta đã tái chế nhiều kim loại (như đồng, thép, và nhôm) mà nguồn nguyên liệu đầu tiên được nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhưng sau đó họ đã thu gom, tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả (Department of Trade and Industry of UK, 2005).     
 
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, đây là thuật ngữ nhằm nói tới sự phát triển khoa học công nghệ cao như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tế ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số, điện toán hóa quá trình sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các nguyên liệu để sản xuất ra các loại vật liệu tiên tiến, đặc biệt là các kim loại quý hiếm và các kim loại giá trị cao, phục vụ nền Công nghiệp 4.0.
 
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sự khan hiếm các nguồn nguyên liệu này, cũng như nhu cầu phát triển bền vững “để dành tài nguyên cho thế hệ tương lai”, việc sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng các nguyên liệu khoáng, kim loại quý hiếm càng được đề cao. Xu hướng đó đã hình thành khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” (Geissdoerfer et al., 2017) được mô phỏng trên Hình 1 và có các đặc trưng như: Giảm thiểu sử dụng nguyên liệu thô, tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa; Nền kinh tế có sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất; Sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; Các hệ thống trong nền kinh tế luôn tác động, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ liên kết và qua đó làm tăng tính linh động của nền kinh tế; Tăng cường sử dụng các nguyên liệu sinh học để sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhằm nâng cao khả năng tái sử dụng sản phẩm và nguyên liệu tái chế cho các chu kỳ sản xuất tiếp theo.
 
Hình 1. Mô hình nền kinh tế tuần hoàn
 
Nền kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững, do đó, các định chế tài chính, kinh tế của thế giới và chính phủ các nước những năm gần đây đã tập trung nguồn lực cho sự phát triển của mô hình nền kinh tế tuần hoàn mà trong đó tái chế chất thải là một tiêu chí quan trọng, để hướng tới mục tiêu khối lượng nguyên liệu thô sử dụng ở đầu vào và chất thải đầu ra trên hình 1 là nhỏ nhất. Hình 2 thể hiện tỷ lệ tái chế chất thải rắn của một số nước trên thế giới.
 
Hình 2. Tỷ lệ tái chế chất thải rắn của một số nước trên thế giới 
 
Tóm lại, xu hướng phát triển chung của nền công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thế giới sẽ hướng tới phát triển bền vững một cách toàn diện, định hướng tái sử dụng, tái chế phải được đặt ra ngay từ quá trình khai thác, chế biến và sử dụng. Các công nghệ nhằm giảm sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải carbon, giảm sử dụng nước, hạn chế ô nhiễm môi trường sẽ được tiếp tục phát triển ở những mức độ cao hơn. Đặc biệt, các công nghệ chế biến khoáng sản có hàm lượng thấp, phát triển các nguồn nguyên liệu mới, tái chế và tái sử dụng nguyên liệu sẽ được chú trọng phát triển mạnh mẽ và triệt để. 
 
II.2- Xu hướng phát triển của Việt Nam 
 
Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, Việt nam cũng nêu ra các quan điểm “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị. Trong đó, nêu rõ cần hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài (ví dụ: dầu khí, than, bauxit, titan - zircon, đất hiếm, apatit,…); khai thác khoáng sản đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế. 
 
Mặc dù Việt Nam khá đa dạng về chủng loại khoáng sản, nhưng ngoại trừ một số loại có trữ lượng đáng kể so với các nước trên thế giới như đá vôi, quặng bôxit, crôm, apatit, titan, đất hiếm, thì các khoáng sản khác có trữ lượng thấp và các mỏ nằm phân tán (USGS, 2012). Cho đến nay, nhiều mỏ cũng đã được khai thác các phần thân quặng có trữ lượng cao, giàu hàm lượng các nguyên tố có ích. Vì vậy, xu hướng là chúng ta sẽ phải tìm kiếm các mỏ khoáng sản mới, các tích tụ khoáng sản ẩn sâu.
 
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản sẽ phải tập trung phát triển các công nghệ khai thác tận thu tối đa tài nguyên, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động tới môi trường, phát triển công nghệ khai thác các tích tụ khoáng sản ở sâu, có cấu tạo và phân bố phức tạp. Ngành tuyển khoáng cần phát triển công nghệ chế biến thu hồi tối đa, tổng hợp các khoáng sản có ích trong quặng triệt để hơn, tuyển các loại khoáng sản có hàm lượng thấp, thành phần, cấu trúc phức tạp. Đồng thời, theo xu hướng phát triển trên thế giới, công nghiệp nói chung và ngành tuyển khoáng nói riêng của Việt Nam cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu tái sử dụng và tái chế nguyên liệu có nguồn gốc khoáng sản.   
 
Một trong các nguồn cần nghiên cứu tái chế, tái sử dụng khoáng sản đó là từ chất thải rắn (CTR). Theo thống kê của Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tỷ lệ thu gom, quản lý CTR trung bình cả nước mới đạt khoảng 80-90% tổng lượng CTR thải ra hàng năm và tỷ lệ tái chế CTR ở Việt Nam mới chiếm khoảng 10% lượng thu gom. CTR gồm chất thải từ hoạt động dân sinh và từ các ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp khai khoáng. Cho đến nay, chất thải rắn công nghiệp và CTR phát sinh từ ngành công nghiệp khai khoáng cũng chưa được thống kê đầy đủ (Nguyễn Văn Lâm, 2015). Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản là ngành tạo ra nhiều CTR. Với đặc điểm tài nguyên khoáng sản còn lại ngày càng nghèo, khai thác, tuyển quặng hàng năm thải ra hàng chục triệu tấn đất đá thải ở các khu khai thác mỏ như các bãi đất đá thải của các mỏ than vùng Quảng Ninh, các khu vực tuyển quặng đồng ở Lào Cai,… Chỉ riêng nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền mỗi năm thải ra khoảng 1 triệu tấn bùn quặng thải.
 
Trong các khâu chế biến tiếp theo như luyện kim cũng đưa ra một lượng chất thải rắn lớn, ví dụ, để luyện ra 1 tấn thép thô từ quặng sắt theo công nghệ lò cao thì phát sinh khoảng 0,6 tấn CTR là xỉ thải. Như vậy, với công suất khoảng 2,5 triệu tấn thép thô luyện từ quặng hiện nay, lượng CTR phát sinh hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn. Khi tổ hợp luyện kim Formosa tại tỉnh Hà Tĩnh đi vào hoạt động đủ công suất cho giai đoạn I là 7 triệu tấn/năm, tổng lượng xỉ thải luyện thép từ quặng trên cả nước sẽ là gần 6 triệu tấn/năm. Cùng với các nhà máy nhiệt luyện kim khác như luyện đồng, chì, kẽm… hay loại hình thủy luyện như chế biến quặng bôxit để sản xuất alumin thì lượng CTR hàng năm là rất lớn.
Hình 3. Thành phần CTR xây dựng
 
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, hầu hết CTR phát sinh được xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp và chất đống. Phương pháp xử lý CTR như vậy có rất nhiều bất lợi như: (i)- Chiếm diện tích đất lớn, là nguồn ô nhiễm tiềm tàng tới môi trường không khí, đất, nước ngầm, và các hiểm họa môi trường như sạt lở các núi đất đá thải, vỡ hồ chứa bùn quặng…; (ii)- Không thu hồi được các loại vật liệu có ích chiếm phần lớn trong CTR (Hình 3), gây lãng phí tài nguyên.
 
Là một nước đang phát triển, Việt Nam cần dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển đất nước. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là hữu hạn và không tái sinh, khai thác khoáng sản luôn song hành cùng các tác động tiêu cực tới môi trường sống, do đó, để phát triển bền vững, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, đó là khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước, sử dụng tiết kiệm, tái sử dụng, tái chế tối đa các sản phẩm thải thành nguyên liệu cho các chu kỳ sản xuất tiếp theo hay nói cách khác là phát triển theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, trong đó nguyên liệu thô sử dụng và chất thải cuối cùng của chu trình sản xuất-tiêu dùng là nhỏ nhất có thể. 
 
III. Ngành tuyển khoáng trước yêu cầu phát triển bền vững
 
Kể từ khi tiếp quản lại các cơ sở khai mỏ từ Thực dân Pháp cuối những năm 50 của thế kỷ 20, ngành Tuyển khoáng có thể nói xuất phát điểm từ số không, đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một ngành quan trọng trong ngành công nghiệp mỏ của Việt Nam hiện nay. Tuyển khoáng là khâu làm giàu khoáng sản trong hầu hết các đơn vị khai thác mỏ hiện nay, sự tiến bộ về trình độ nhân lực, công nghệ, thiết bị trong ngành trong những năm qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp Mỏ và giải quyết được những đỏi hỏi của tình hình thực tế. Tuy nhiên, ngành Tuyển khoáng hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại sau:
 
- Khâu đào tạo nhân lực cho ngành còn để một phần không nhỏ sinh viên mới ra trường thiếu kiến thức thực tế, không thể thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn một cách độc lập, kiến thức liên ngành, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin còn hạn chế;
 
- Các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành Tuyển khoáng còn hạn chế về đội ngũ nhân lực trình độ cao, khả năng tiếp cận với các thông tin, thành tự khoa học chuyên ngành mới còn hạn chế, thiết bị nghiên cứu không đồng bộ, đa phần đã lạc hậu; 
 
- Ngoại trừ một số nhà máy lớn, được đầu tư hoàn chỉnh, công nghệ, thiết bị tốt, đa phần các nhà máy tuyển khoáng ở qui mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí vận hành cao, khả năng thu hồi tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm không cao và không ổn định;
 
- Các chính sách của Nhà nước về khoa học công nghệ đã làm hạn chế nguồn lực dành cho các nghiên cứu sáng tạo, đón đầu trong ngành Tuyển khoáng mà hầu hết chỉ tập trung cho các nghiên cứu ứng dụng, giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hay nói cách khác là thực hiện các nhiệm vụ có khả năng thương mại hóa;
 
- Các công trình nghiên cứu về khả năng tái sử dụng, tái chế nguyên liệu khoáng để sử dụng lại trong các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành Tuyển khoáng còn rất hạn chế.
 
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển đất nước trong xu thế công nghiệp 4.0, tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thì ngành Tuyển khoáng Việt Nam phải khắc phục được các tồn tại đã nêu trên cơ sở lưu ý những vấn đề sau: 
 
- Cải tiến phương thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực của ngành Tuyển khoáng. Nhân lực chuyên ngành Tuyển khoáng phải đáp ứng được các tiêu chí chung sau: (i)-  Có kiến thức chuyên sâu về Tuyển khoáng và sự hiểu biết đa ngành những lĩnh vực liên quan trong công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, môi trường; (ii)- Có khả năng tiếp cận với các thành tựu khoa học và công nghệ mới, làm chủ các trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất hiện đại, có đủ khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, học viên ngành Tuyển khoáng ngoài kiến thức chuyên ngành Tuyển cần được trang bị kỹ hơn kiến thức về địa chất, khoáng vật học như thành tạo mỏ, cấu trúc quặng, đặc điểm khoáng vật.., kiến thức liên quan đến công nghệ khai thác, công nghệ hóa, môi trường, luyện kim, chế biến sâu khác và ứng dụng của các loại khoáng sản, có trình độ ngoại ngữ đủ để tiếp cận các thông tin, thành tựu khoa học công nghệ mới, trình độ công nghệ thông tin đáp ứng việc xây dựng các mô hình thực nghiệm, kế hoạch thí nghiệm và thiết kế dạng 3D. Đặc biệt, cần được trang bị thật tốt kiến thức về khoa học vật liệu, công nghệ tái sinh, tái chế… để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho quá trình xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn;
 
- Kiến nghị Đảng, Nhà Nước và Chính phủ có các chính sách khuyến khích và dành nguồn lực thích hợp cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đón đầu xu hướng như những nghiên cứu về các loại vật liệu, hóa chất mới cho ngành Tuyển khoáng, nghiên cứu công nghệ tái sinh, tái chế các sản phẩm, vật liệu có nguồn gốc khoáng sản. Nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy thực tế cho các cơ sở đào tạo, thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành Tuyển Khoáng;
 
- Tập trung nguồn lực toàn ngành cho mục tiêu xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, ngành công nghiệp Mỏ phải tiên phong trong việc giảm thiểu khai thác khoáng sản thô bằng các giải pháp như khai thác tận thu tối đa khoáng sản trong mỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị tiêu tốn ít năng lượng, nhiên liệu, có hiệu suất làm việc cao, đảm bảo quá trình khai thác gây tác động tiêu cực tối thiểu tới môi trường; Khâu Tuyển khoáng cần tuyển thu hồi tối đa khoáng sản chính và các khoáng sản có ích đi kèm, nghiên cứu sử dụng các chất thải của quá trình khai thác và tuyển để sản xuất ra các loại nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác hay chế tạo ra các sản phẩm sử dụng ngay; Nghiên cứu khả năng tái sử dụng các sản phẩm, tái chế những sản phẩm không thể tái sử dụng làm nguyên liệu cho chu kỳ sản xuất tiếp theo. 
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ giảm thiểu nhu cầu khai thác khoáng sản thô, tiết kiệm tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời giảm thiểu nguồn chất thải ra đưa ra môi trường, thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. 
 
IV. Kết luận và kiến nghị
 
Công nghiệp 4.0 và xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để ngành công nghiệp Mỏ phát triển bền vững, ngành Tuyển khoáng Việt Nam cần từng bước tiếp cận với các giải pháp đã được chứng minh là thành công ở các nước phát triển như nâng cao tối đa khả năng tuyển thu hồi các loại khoáng sản có ích từ quặng, sử dụng tiết kiệm, nghiên cứu tìm các nguồn vật liệu thay thế, tái sử dụng, tái chế nguyên liệu tối đa cho các chu kỳ sản xuất, tiêu dùng tiếp theo.
 
Để đạt mục tiêu đã nêu, việc xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng được xu hướng phát triển ngành cùng sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ là những yếu tố quyết định sự thành công.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2011a. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 “Về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 
2. Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2011b. Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 “Về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
3. Department of Trade and Industry of UK, 2005. Waste electrical and electronic equipment (WEEE): innovating novel recovery and recycling technologies in Japan. Department of Trade and Industry (UK)
4. Geissdoerfer M., Savaget P., Bocken N.M.P., Hultink E.J., 2017. The Circular Economy - A new sustainability paradigm?. Journal of Cleaner Production 143: 757-768. 
5. Giurco D., Evans G., Cooper C., Mason L., Franks D., 2009. Mineral futures discussion paper: Sustainability issues, challenges, and opportunities. Prepared for CSIRO Minerals Down Under Flagship, by the Institute for Sustainable Futures (University of Technology, Sydney) and the Centre for Social Responsibility in Mining, Sustainable Minerals Institute (University of Queensland). Young, J. & Sachs, A., 1994. The next efficiency revolution: creating a sustainable materials economy. Worldwatch paper no. 121. Washington, DC, USA, Worldwatch Institute.
6. Gordon, R. & Tilton, J., 2008. Mineral economics: Overview of a discipline. Resources Policy, 32, 24-28. 
7. Gordon, R., Bertram, M. & Graedel, T., 2006. Metal stocks and sustainability. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 103, 1209-1214. 
8. Nguyễn Văn Lâm, 2015. Tình hình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam. Đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn chất thải. Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ tài nguyên và Môi trường, Hà Nội.
9. Rogers P.P, Jalal K.F, Boyd J.A, 2008. An introduction to sustainable development. Earthscan, 417p. 
10. Tilton, J. & Lagos, G., 2007. Assessing the long-run availability of copper. Resources Policy, 32, 19-23. 
11. USGS, 2012. Mineral Yearbook –Vietnam. US Geological Survey.
12. von Hauff, M. & Wilderer, P., 2008. Industrial ecology: Engineered representation of sustainability. Sustainability Science, 3, 103-115. 

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website