Đào tạo nguồn nhân lực ngành năng lượng đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ thì các cơ sở giáo dục – đào tạo đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
) đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực về vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành năng lượng trước yêu cầu CMCN lần thứ 4.
TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực
Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trò truyện.
Theo ông những cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra cho ngành năng lượng nói chung và ngành điện trong thời gian tới là gì?
TS. Dương Trung Kiên: Với tốc độ phát triển và tiêu thụ năng lượng như hiện tại thì các nguồn năng lượng truyền thống trên thế giới được dự báo sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Ngay cả với các quốc gia có trữ lượng năng lượng hóa thạch lớn trên thế giới cũng đã sớm nhận thấy được những áp lực từ việc phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống. Không những vậy, năng lượng hóa thạch còn làm tăng các mối nguy về môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, trái đất nóng lên…
Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, hiện nay nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngày một lớn, đặc biệt là trong bối cảnh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì các nguồn lực cho phát triển công nghiệp trong đó có năng lượng và an ninh năng lượng là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ có thể coi là hướng đi duy nhất đúng đắn hiện nay.
Công nghệ phát triển là nền tảng thuận lợi cho lĩnh vực năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung, đặc biệt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, truyền tải và sử dụng năng lượng và giúp rút ngắn khoảng cách đối với việc ứng dụng các công nghệ mới, năng lượng mới trên thế giới.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tiềm năng phong phú về năng lượng tái tạo (NLTT) như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối góp phần giảm áp lực sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khi nhà kính. Tuy nhiên, song song với những cơ hội này còn nhiều thách thức. Cụ thể, hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác truyền tải công suất, điều tần,…
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng của ngành công nghiệp với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 vẫn đang là câu hỏi lớn khi trình độ công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu cũng là thách thức lớn trong sử dụng năng lượng hiệu quả hiện nay.
Sinh viên ĐHĐL vào chung kết Cuộc thi Sáng kiến năng lượng bền vững năm 2020
Với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo nhân sự đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng, theo ông các trường cần thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong giai đoạn sẽ có nhiều thay đổi sắp tới?
TS. Dương Trung Kiên: Chúng ta đều hiểu rằng CMCN 4.0 có tác động hết sức mạnh mẽ làm thay đổi khả năng cạnh tranh của môt doanh nghiệp và cả một ngành công nghiệp một cách rất nhanh chóng.
Bản chất của CMCN 4.0 là sự hình thành thế giới số, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và kết nối vạn vật. Nó có thể thay thế con người trong nhiều công đoạn, chuỗi công đoạn hoặc thậm chí toàn bộ quá trình sản xuất. Như vậy, chúng ta cần trả lời được làm thế nào để làm chủ thực sự được những giá trị cốt lõi của CMCN 4.0 và xác định rõ con người- nhân lực nằm ở đâu trong hệ thống ấy.
TS Dương Trung Kiên (ngoài cùng bên trái) tuyên dương đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học
Để thực sự làm chủ được công nghệ và những giá trị của nó thì chúng ta phải đảm bảo được tính “sẵn sàng” chủ động tiếp cận, nghiên cứu, thực thi. Theo đó nguồn nhân lực trong thời đại CMCN 4.0, phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, được cập nhật các kiến thức về công nghệ, đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển của xã hội.
Chính vì thế tại mỗi cơ sở đào tạo cũng cần có những sự thay đổi để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng thời đại CMCN 4.0, một số thay đổi trong đào tạo bao gồm:
- Hiện đại hoá công tác đào tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình đào tạo để nâng cao hiệu quả đào tạo và đồng thời giúp sinh viên, học viên tiếp cận công nghệ ngay từ trong quá trình học tại trường.
- Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại cơ sở đào tạo để có thể đáp ứng cho công tác đào tạo trong thời đại CNCM 4.0. Công việc này có thể thực hiện thông qua việc đầy mạnh các hoạt động hợp tác, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ; Tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo...
- Hiện đại hoá công tác đào tạo thí nghiệm, thực hành bằng liên kết với các hãng, xây dựng phòng thí nghiệm ảo…giúp công tác đào tạo gần với thực tế phát triển của khoa học công nghệ.
- Tăng cường liên kết doanh nghiệp để nhận biết các yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời đại CMCN 4.0 của doanh nghiệp, từ đó cải tiến chương trình đào tạo, cập nhật các nội dung cho phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, thời gian qua hoạt động giảng dạy của Nhà trường đã được triển khai như thế nào nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thưa ông?
TS. Dương Trung Kiên: Ngay từ trước khi xuất hiện thuật ngữ CMCN4.0, trường Đại học Điện lực (ĐHĐL) đã xác định đào tạo cần gắn liền với thực tiễn nhu cầu của xã hội, phát huy thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng được tốt yêu cầu đó, Nhà trường đã triển khai thành công chiến lược chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực lấy việc ứng dụng thành tựu KHCN là trọng tâm.
Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở Giáo dục Đại học có số lượng công bố Quốc tế nhiều nhất.
Trong hợp tác quốc tế, Nhà trường luôn quan tâm và tăng cường hợp tác với các tổ chức trên Thế giới (Đức, Pháp, Trung Quốc, Italia…) với các nội dung trao đổi giảng viên, sinh viên, hợp tác đào tạo, phối hợp nghiên cứu khoa học…
Trong hợp tác doanh nghiệp, Nhà trường đã tiến hành ký kết hợp tác với hơn 100 nghiệp trong và ngoài nước với các nội dung: Phối hợp các hoạt động thực tế, thực tập cho sinh viên, phối hợp cải tiến chương trình đào tạo, cùng triển khai nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ năng cho sinh viên,…Giúp sinh viên có được kiến thức thực tế, tiếp cận với công nghệ để vững bước khi ra trường.
Với chương trình đào tạo, hàng năm Nhà trường đều thực hiện công tác rà soát đánh giá và có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển của xã hội. Các chương trình đào tạo luôn được xây dựng và cải tiến theo hướng tăng cường thực hành, tăng cường ứng dụng công nghệ để đáp ứng CMCN 4.0.
Trong công tác đào tạo, Nhà trường luôn cố gắng gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, gắn nội dung đào tạo với công việc thực tế tại doanh nghiệp. Từ đó giúp sinh viên hiểu lý thuyết và thạo thực hành. Thông qua các hoạt động về đào tạo kỹ năng mềm, hoạt động trao đổi sinh viên với các nước,… sẽ hỗ trợ cho sinh viên hoàn thiện bản thân, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại CMCN 4.0
Xin ông chia sẻ chi tiết các công nghệ Nhà trường đã và đang ứng dụng trong công tác quản lý và giảng dạy?
TS. Dương Trung Kiên: ĐHĐL là một trong những đơn vị giáo dục ứng dụng tương đối sớm công nghệ vào công tác quản lý. Toàn bộ hệ thống quản lý từ tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thi, quản lý quá trình học tập đều được tích hợp trên một hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường. Giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác.
Các tương tác giữa các đơn vị trong trường, giữa nhà trường với sinh viên,… hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống quản lý chung, giúp cho thông tin được kịp thời, hạn chế các giấy tờ không cần thiết. Đồng thời, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý.
Nhiều sản phẩm nghiên cứu của nhà trường được doanh nghiệp và xã hội nghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng học được trang bị hiện đại, tiện nghi giúp tạo môi trường học tập và nghiên cứu hiệu quả cho sinh viên và giảng viên. Nhà trường cũng đã đưa vào hoạt động thư viện điện tử, với nguồn tài liệu phong phú và cơ sở vật chất đầu tư hiện đại. Đây là một trong những địa điểm học tập và nghiên cứu lý tưởng cho sinh viên và giảng viên của EPU.
Tới đây Nhà trường đang có kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành ảo áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng việc xây dựng các phòng thực hành, thí nghiệm sẽ giúp công tác đạo tạo của trường đạt được hiệu quả cao hơn, sinh viên có khả năng tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Trường ĐHĐL sẽ luôn chú trọng và tăng cường đầu tư để hoàn thiện, hiện đại hoá cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất công tác đào tạo, để thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Năm học 2020 -2021 trường Đại học Điện Lực đã triển khai thực hiện 55 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tăng 14,5% so với năm học 2019-2020
Được biết hoạt động khoa KHCN của Nhà trường những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc, xin ông chia sẻ thêm về các kết quả này?
TS. Dương Trung Kiên: Với chiến lược phát triển KH&CN gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, năm học 2020 -2021 trường Đại học Điện Lực đã triển khai thực hiện 55 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tăng 14,5% so với năm học 2019-2020. Ngoài các đề tài cấp Bộ, Cấp Cơ sở, trong năm qua trường cũng được Bộ Khoa học & Công nghệ tin tưởng giao chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước; Trường chủ trì thực hiện 01 đề cấp Nghị định thư và 01 đề tài cấp Thành phố. Cùng với đó Trường đã ký kết 02 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ; 86 Bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế và 221 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước.
Máy hỗ trợ thở phục vụ công tác điều trị bệnh nhân covid-19 do Khoa Điện tử Viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển trường ĐHĐL nghiên cứu, chế tạo
Theo số liệu công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu (CSDL) WoS, Scopus và WoS & Scopus của Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học nói riêng (giai đoạn 2014-2018) được thống kê trường Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở Giáo dục Đại học có số lượng công bố Quốc tế nhiều nhất.
Các sản phẩm nghiên cứu của nhà trường như: Máy hỗ trợ thở trong thời kỳ dịch Covid, Thiết bị cảnh báo mất điện và giám sát trạm biến áp; Hệ thống kho thông minh, Xe đạp thể dục phát điện... đều là những sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn, được doanh nghiệp và xã hội nghi nhận, đánh giá cao.
Xin cảm ơn ông./.