Hỗ trợ triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường
Dự thảo nêu rõ phạm vi điều chỉnh là các dự án thực hiện hoạt động sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (viết tắt là Dự án) được quy định tại Khoản 3, Điều 42 của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Đối tượng được hỗ trợ vốn là chủ đầu tư Dự án.
Điều kiện được hỗ trợ vốn: Dự án hoạt động theo quy định tại Khoản 11 Phụ lục III, Nghị định 19/2015/NĐ-CP và được lập, thẩm định, phê duyệt hoặc cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (viết tắt là GCNĐKĐT) đối với các trường hợp phải cấp GCNĐKĐT theo đúng quy định của pháp luật; đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán; đã kết thúc thời gian chạy thử và đủ điều kiện vận hành bình thường.
Mức vốn hỗ trợ bằng 10% giá trị thiết bị của Dự án.
Cơ quan hỗ trợ vốn là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ BVMTVN), trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự án được hỗ trợ vốn sau đầu tư 1 lần, không tính lãi suất, không phải hoàn trả.
Về hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn, dự thảo nêu rõ, sau khi kết thúc chạy thử, chủ đầu tư gửi Quỹ BVMTVN hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn, gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ vốn; báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đã được lập, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, trong đó xác định danh mục, số lượng, chủng loại, tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật, giá trị của thiết bị; hồ sơ về kết quả chạy thử, xác nhận của cấp có thẩm quyền về sự phù hợp của Dự án với Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp và Dự án đủ điều kiện vận hành bình thường.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn theo quy định; Quỹ BVMTVN thực hiện hỗ trợ vốn cho Dự án.
Trường hợp từ chối hỗ trợ vốn, Quỹ BVMTVN thông báo bằng văn bản tới Chủ đầu tư (đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường) về lý do và số vốn từ chối hỗ trợ.