Hà Nội rốt ráo tập trung giải quyết môi trường làng nghề
Trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn định hướng đến năm 2030. Trong năm 2021, thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả.
60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường
Hiện trên toàn TP Hà Nội có 1.350 làng nghề. Và mới đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội tiến hành khảo sát, lấy mẫu, phân tích môi trường tại 65 làng nghề.
Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Như cả 3 xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai (huyện Hoài Đức) đều có nhiều điểm tương đồng với nhau, cùng là làng nghề, cùng chế biến nông sản với quy mô lớn, cùng nằm bên bờ con sông Đáy, tình trạng ô nhiễm môi trường đều cùng mở mức trầm trọng. Tính tới thời điểm hiện tại, cả ba xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai có tới hàng nghìn hộ gia đình tham gia chế biến, sản xuất mì gạo, bột sắn dây, miến dong, mạch nha, bánh kẹo… từ nông sản.
Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành. Hàng loạt những hộ dân nơi đây vui mừng cho biết, nghề chế biến nông sản đã giúp họ thoát nghèo, xây nhiều nhà to, con cái họ được ăn học đi thoát ly. Nhưng đi kèm, đó là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện mỗi ngày, người dân ở ba làng nghề Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai vẫn đang phải sống chung cùng hàng trăm tấn rác, hàng nghìn mét khối nước thải.
Qua khảo sát, sắn củ và dong củ được các cơ sở làm nghề nhập về từ những tỉnh vùng núi như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… để xay nghiền, tinh chế. Quá trình này, toàn bộ khối lượng nước dùng làm sạch nông sản, cũng như nước lọc bột được xả thẳng ra môi trường mà không hề qua xử lý.
Còn phần bã sắn lưu kĩu hết năm này qua năm khác tại hoàng loạt những hệ thống ao hồ, kênh mương. Ao tù, nước đọng khiến ruồi muỗi phát triển, một số bệnh dịch đã bắt đầu gia tăng. Khắp làng trên xóm dưới, trong từng mét vuông đất, người dân đều phải hít thở thứ mùi hôi thối tù nước, từ bã sắn…
Bên cạnh đó, còn những làng nghề khác như làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) nổi tiếng từ hàng chục năm nay với nghề chế tác xương, sừng và da trâu bò làm giày, dép da, dây lưng, ví da, túi xách, lược… Qua tìm hiểu thì tất tần tật nguyên liệu gồm lông, da, xương và sừng trâu bò, đều được nhập từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Hàng loạt những cơ sở làm nghề, da trâu bò sau khi thu gom về sẽ được làm sạch và ướp bằng muối. Quá trình ướp lâu ngày, da trâu bò rỉ nước và bốc mùi vô cùng khó chịu, gây ô nhiễm không khí. Chưa hết, quá trình sơ chế da trâu bò, một lượng lớn nước muối mặn chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường… và hệ quả, hệ thống nước mặt ao hồ bị nhiễm mặn nặng, nhiều thửa ruộng không thể canh tác, phải để hoang…
Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy, việc phát triển mở rộng các làng nghề truyền thống sẽ kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngày một trầm trọng, sức khỏe cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đứng trước thực trạng trên, sở đã có những hướng dẫn các quận huyện có làng nghề tiến hành rà soát chất lượng môi trường từng làng và tổng hợp báo cáo về UBND thành phố.
Nước thải làng nghề chưa qua xử lý đổ hết ra môi trường. Ảnh: Nam Anh.
Báo cáo tổng hợp là căn cứ để UBND thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường toàn bộ làng nghề còn lại trên địa bàn, tiến tới mục tiêu 100 % các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề; Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng... làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.
Cần tới hơn 9.500 tỷ đồng để xử lý môi trường làng nghề
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm... đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương này.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống xử lý nước thả làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy, Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025 và nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm…
Mặt khác, nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, TP Hà Nội đã thành lập được nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã khoảng 30/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới, UBND TP Hà Nội thành lập thêm hơn 40 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông…