Cam kết hành động mạnh mẽ giảm thiểu rác thải nhựa
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ hành tinh xanh.
Rác thải nhựa gây ra gánh nặng với môi trường
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa.
Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho biết, chỉ có 10% lượng rác thải nhựa ở Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
(Ảnh minh họa)
Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biển khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch. Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất. Bên cạnh đó, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng quy chuẩn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.
Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, vì vậy, xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học từ 01/01/2026
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.
Cụ thể, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Theo đó, từ ngày 01/01/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, Đề án có mục tiêu: đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy; Tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; Phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần… Đề án nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Cùng với hệ thống chính sách mang tính định hướng đó, Chính phủ và các Bộ ngành đã đưa ra các biện pháp tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tiêu dùng và loại bỏ sản phẩm nhựa; Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng
Việc hạn chế rác thải nhựa cần có sự đồng lòng, chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, tầng lớp xã hội, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất của mỗi người đến các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Để bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, mỗi cá nhân cần được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa.
Người dân Tuyên Quang phân loại, xử lý rác thải nhựa
Nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu chất thải nhựa có hại cho môi trường, năm 2023, Ngày Môi trường thế giới năm có chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” gắn với chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu... Năm nay, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã hưởng ứng Ngày môi trường thế giới thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể, đạt hiệu quả cao.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới mà nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chú trọng triển khai xuyên suốt cả năm. Có thể kể đến một số giải pháp xử lý rác thải nhựa để bảo vệ môi trường xanh, sạch hiện nay như: Phân loại từ đầu nguồn để tái chế; Tái sử dụng đồ nhựa; Thay thế túi nylon bằng túi giấy, túi vải tái sử dụng được nhiều lần; Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình và thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường khác; Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần; Hạn chế tối đa việc đốt rác thải nhựa tại nhà; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng… Trong đó, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi nylon đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng được thể hiện qua việc định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, các loại túi sử dụng nhiều lần; Các biện pháp giảm sử dụng, tái sử dụng túi nylon trong đời sống hàng ngày; Ý nghĩa của phân loại và tái chế túi nylon.
Như vậy, để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến môi trường, điều kiện tiên quyết vẫn là nhận thức và hành động mỗi người, với những hành động nhỏ hàng ngày như phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nơi phát sinh, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy...
Vì vậy, bảo vệ môi trường không khó, giảm thiểu chất thải nhựa cũng không khó, chỉ cần ý thức về điều đó, nhất định chúng ta sẽ làm được. Việc giải quyết ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu và Việt Nam đang nỗ lực trong hành trình đó. Đây là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội từ những việc làm nhỏ nhất.