Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề
Đây là một trong số những nội dung được quy định tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, về định hướng bảo tồn, khôi phục làng nghề truyền thống, Chiến lược chú trọng tới những làng nghề đang có nguy cơ mai một, thất truyền và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề.
Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường
Mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân; phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.
(Ảnh minh hoạ)
Về bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề, phải khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung; giữ gìn cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, bảo đảm xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường; triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn; đa dạng hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Tập trung vào xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn tập trung vào xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp. Khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường và tận dụng các phế phụ phẩm của nguyên liệu làm đầu vào cho các sản phẩm khác. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng, miền.
Về giải pháp tổ chức lại sản xuất và hình thành các trung tâm sáng tạo, Chiến lược sẽ ưu tiên đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề. Đồng thời, đầu tư cụm công nghiệp làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện của địa phương; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong các làng nghề.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các làng nghề, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Chiến lược cũng khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.