TKV và chiến lược xanh hóa những "mảng nâu”
Trong chiến lược phát triển bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xác định rõ: Từ tài nguyên và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh; hài hoà với môi trường; hài hoà với địa phương và cộng đồng; phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh, thân thiện với môi trường... Từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian gần đây, TKV đã phủ xanh hàng nghìn ha bãi thải mỏ, hệ thống nước thải, bụi và tiếng ồn ngày càng được xử lý đồng bộ, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Chiến lược xanh hóa mỏ
Theo các chuyên gia môi trường, khai thác than là hoạt động sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Do đó, nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của TKV là ưu tiên nguồn lực lớn cho công tác cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường, cũng như giảm thiểu tác động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trung bình, TKV dành trên 1.300 tỷ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng. Nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ môi trường trong các khai trường, vị trí xung yếu...
Công ty CP Than Hà Tu là đơn vị sản xuất than lộ thiên duy nhất ở TP Hạ Long, được TKV xác định là một trong 5 khu vực cần có phương án bảo vệ môi trường tổng thể. Từ năm 2021 đến nay, công ty đầu tư nhiều dự án bảo vệ môi trường, triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất.
Đến nay, công ty đã đầu tư, đưa vào sử dụng 6 hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, trong đó có 2 hệ thống di động và 4 hệ thống cố định; đầu tư và đưa vào sử dụng 1 xe tưới nước chuyên dụng công suất lớn CAT 773E phục vụ công tác tưới đường dập bụi trong khai trường sản xuất. Than Hà Tu đã hoàn thành trồng cây phục hồi môi trường ở khu vực bãi thải Chính Bắc, tổng diện tích gần 18ha và bãi thải Nam Lộ Phong, diện tích 50ha. Nhờ tập trung đầu tư những công trình và dự án môi trường đã giúp công ty thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Theo lãnh đạo Công ty CP Than Hà Tu, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai đầu tư một số công trình để đảm bảo công tác môi trường theo đúng nội dung của “Phương án bảo vệ môi trường tổng thể” đã được TKV phê duyệt, như: Xây dựng trạm rửa xe tự động khu vực máng Ga Lộ Phong; lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi dọc tuyến đường khu vực vòng xuyến kho 9A; đầu tư cụm phun sương di động bán kính phun xa 150m... Đồng thời, tích cực trồng cây bảo vệ môi trường và cải tạo mặt bằng sản xuất, nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm phát tán bụi, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Còn tại Công ty Than Mạo Khê - đơn vị đang khai thác than hầm lò ở mức -150m đến -230m. Với diện sản xuất ngày càng xuống sâu, nước thải mỏ phát sinh ngày càng lớn, vấn đề xử lý nước thải mỏ luôn được đơn vị quan tâm hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu đó, công ty đầu tư xây dựng 5 trạm xử lý nước thải. Trong đó có 2 trạm xử lý nước thải hầm lò tổng công suất 3.000m3/h và 3 trạm xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất 555m3/ngày, đêm.
Toàn bộ nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty Than Mạo Khê được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Qua đó, công ty đã sử dụng triệt để nguồn nước thải sau xử lý để phục vụ sản xuất như chống bụi tại các mặt bằng sản xuất, tuyến đường vận chuyển; giặt bảo hộ lao động cho CBCNV; phục vụ công tác khoan trong hầm lò...
Tại Quảng Ninh, TKV có 17 doanh nghiệp hoạt động khai thác than (13 doanh nghiệp khai thác than hầm lò, 4 doanh nghiệp khai thác than lộ thiên), ngoài Công ty CP Than Hà Tu và Công ty Than Mạo Khê, các đơn vị còn lại của TKV đều xây dựng phương án bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, TKV tập trung bảo vệ môi trường tại 5 khu vực trọng điểm là: Bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn), mỏ than Hà Tu (Công ty CP Than Hà Tu), cảng Làng Khánh (Công ty Tuyển than Hòn Gai), nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông), cảng Km6 (Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả). Hiện các doanh nghiệp đang tích cực triển khai phương án, đề án bảo vệ môi trường theo kế hoạch.
Năm 2022, TKV đã chi trên 260 tỷ đồng đầu tư hơn 50 công trình trọng điểm liên quan đến bảo vệ môi trường. 8 tháng năm 2023, TKV tiếp tục phê duyệt và triển khai 30 công trình môi trường, với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Những công trình và dự án trên vừa thể hiện sự chủ động của TKV, vừa khẳng định mối quan hệ gắn bó, đồng hành hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than trong phương châm phát triển bền vững.
Nỗ lực đạt mục tiêu "doanh nghiệp xanh”
Tỉnh Quảng Ninh hiện đang đẩy nhanh lộ trình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Theo đó, tỉnh xác định ngành Than là một trong những chủ thể chính trong chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển này. TKV cam kết với tỉnh phát triển các doanh nghiệp ngành Than theo hướng tư duy xanh, hài hòa giữa yếu tố sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Lộ trình thực hiện được TKV triển khai theo từng giai đoạn và tập trung bám sát vào đề án bảo vệ môi trường vùng Than Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới năm 2030; Kế hoạch tổng thể cải tạo, phục hồi môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới năm 2030. Nhiệm vụ trọng tâm của TKV trong năm 2023 phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh và cải tạo phục hồi môi trường toàn TKV trên diện tích 220ha; xử lý trên 155 triệu m3 nước thải mỏ; thu gom, xử lý triệt để các loại chất thải, trong đó xử lý trên 3.800 tấn chất thải nguy hại; tiếp tục triển khai đầu tư nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ tại các trạm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo, Thành Công.
Ðể “xanh hóa” hoạt động sản xuất than, TKV dành nguồn lực lớn đầu tư các dây chuyền hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất khác nhau. Ðối với các mỏ lộ thiên, TKV cam kết thực hiện đúng lộ trình kết thúc khai thác đối với các dự án tại Hạ Long và Cẩm Phả. Ðồng thời, nhằm giảm thiểu áp lực cho các bãi thải, TKV đã và đang triển khai phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải, tiếp tục xây dựng mô hình “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” và thực hiện mục tiêu “đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”.
Hiện TKV đang vận hành 36 hệ thống quan trắc môi trường tự động; 2 hệ thống quan trắc môi trường khí thải nhà máy nhiệt điện đảm bảo quy định và 2 công trình giảm thiểu bụi, ồn; duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư; tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, TKV đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, đầu tư xây dựng nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ; đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ...
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Tập đoàn tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường với địa phương và dành nguồn lực cho công tác bảo vệ, trồng cây cải tạo hoàn nguyên môi trường. TKV tập trung triển khai các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất, thân thiện với môi trường. Đồng thời thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tổng thể theo mô hình cụm tại các đơn vị; duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư; đầu tư khởi công mới các công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, môi trường làm việc.
Tập đoàn chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất phát triển hài hòa với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh...