5 điều nổi bật sau ngày đầu tiên của hội nghị khí hậu COP26
Khoảng 120 lãnh đạo thế giới đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, Vương quốc Anh. Hội nghị đã đạt được 5 điểm nổi bật sau ngày đầu tiên.
Lời xin lỗi của Tổng thống Mỹ
Theo kênh CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xin lỗi các lãnh đạo thế giới vì Mỹ đã rút khỏi hiệp định Paris thời ông Donald Trump. Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ mình không cần xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
Ông Biden khẳng định thêm: “Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn nguồn lực. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn". Ông Biden cam kết Mỹ sẽ chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ không chỉ trở lại bàn đàm phán mà còn hy vọng dẫn đầu bằng sức mạnh của người nêu gương. Ông nói: “Mỹ đang làm việc vượt thời gian để thể hiện cam kết về khí hậu là hành động, không phải lời nói”.
Tuy vậy, các nghị sĩ Dân chủ Mỹ vẫn đang thảo luận và chưa nhất trí được gói kinh tế trong đó có 555 tỷ USD cho các điều khoản liên quan biến đổi khí hậu.
Ấn Độ cam kết “net-zero”
Ngày 1/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gây chú ý khi cam kết thực hiện mục tiêu phát thải “net-zero”, tức là lượng CO2 (hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính) thải vào bầu khí quyển không nhiều hơn lượng CO2 được loại bỏ qua các biện pháp như trồng cây, công nghệ xanh. Ông Modi cũng cam kết Ấn Độ sẽ trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2070.
Mặc dù đây là thông báo lớn và Ấn Độ chưa đưa ra ngày tháng để thực hiện tham vọng “net-zero”, nhưng mục tiêu năm trung hòa carbon năm 2070 muộn hơn 10 năm so với Trung Quốc và muộn hơn 20 năm so với mục tiêu mà toàn thế giới cần đạt để tránh nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Ulka Kelkar, Giám đốc chương trình khí hậu tại tổ chức nghiên cứu môi trường WRI Ấn Độ, cho rằng vì Ấn Độ dùng nhiều loại năng lượng và đang phát triển kinh tế nên không nên so sánh với Mỹ hay châu Âu. Bà Kelkar nói: “Mục tiêu đó là nhiều hơn những gì chúng tôi hy vọng. Net-zero trở thành chủ đề công khai mới cách đây 6 tháng. Đây là điều rất mới với người Ấn Độ”.
Với thông báo của Ấn Độ, mọi quốc gia trong nhóm 10 nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới đã cam kết mục tiêu “net-zero”.
Cam kết ngăn chặn phá rừng
Tối 1/11, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng.
Trong Tuyên bố về sử dụng rừng và đất, các lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng, trong đó 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng. Hơn 30 nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân cũng cam kết hỗ trợ thêm ít nhất 7,2 tỷ USD cho kế hoạch này. Các nhà đầu tư này, sở hữu khối tài sản 8.700 tỷ USD, cũng cam kết ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.
Thỏa thuận trên mở rộng đáng kể cam kết tương tự được 40 quốc gia đưa ra trong khuôn khổ Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, và đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó. Đánh giá về thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ: “Chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người trông coi và chăm sóc thiên nhiên".
Nỗi thất vọng của các quốc gia nhỏ