3 nhóm đối tượng phải thực hiện ký Quỹ Bảo vệ môi trường
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, 3 nhóm đối tượng phải thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là: khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nêu rõ, số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việc tính toán số tiền ký quỹ phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường.
Tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Phương pháp tính và dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Về thời điểm ký quỹ, tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ lần đầu trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt phương án, phương án bổ sung. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới thực hiện ký quỹ lần đầu trước ngày đăng ký bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ.
Trường hợp ký quỹ nhiều lần, việc ký quỹ từ lần thứ hai trở đi phải thực hiện trong khoảng thời gian không quá 07 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền công bố chỉ số giá tiêu dùng của năm trước năm ký quỹ…
Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tiến độ tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nội dung cải tạo, phục hồi môi trường. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản kiểm tra việc hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong giai đoạn nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các quỹ bảo vệ môi trường (BVMT).
Ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nêu rõ, việc ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam hoặc quỹ BVMT cấp tỉnh hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch. Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Về khoản tiền ký quỹ BVMT, tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định: Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu khác thực hiện ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Về quy trình ký quỹ BVMT, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác.
Về quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định tổ chức nhận ký quỹ nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Tổ chức nhận ký quỹ đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan hoặc thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan hoặc chấp hành xong quyết định tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
Ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải
Ký quỹ BVMT cho hoạt động chôn lấp chất thải là việc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới bãi chôn lấp chất thải gửi một khoản tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi đóng bãi theo phương án cải tạo môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định.
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, khoản tiền ký quỹ BVMT cho hoạt động chôn lấp chất thải phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo môi trường tại bãi chôn lấp chất thải, căn cứ vào các nội dung cải tạo môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
Việc tính toán số tiền ký quỹ phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án cải tạo môi trường. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường;
Tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, đóng cửa đối với bãi chôn lấp chất thải, chi phí xử lý ô nhiễm, quan trắc môi trường và vận hành các công trình xử lý chất thải. Phương pháp tính và dự toán chi phí xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Tiền ký quỹ BVMT được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam tại Quỹ BVMT Việt Nam hoặc quỹ BVMT cấp tỉnh và được hưởng lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày ký quỹ.
Về quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ, Quỹ BVMT Việt Nam hoặc quỹ BVMT cấp tỉnh đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ và lãi suất tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải sau khi nhận được văn bản đề nghị của chủ dự án đầu tư kèm theo hồ sơ đã hoàn thành nội dung xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải;
Quỹ BVMT Việt Nam hoặc quỹ BVMT cấp tỉnh quản lý, sử dụng tiền ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ;
Cũng tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính được Chính phủ giao hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải.