TP HCM tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Báo cáo của Sở Công thương TP HCM cho biết, dịch Covid-19 đã tác động đến nguồn cung ứng và giá cả các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, làm thay đổi thói quen tiêu dùng và ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa, qua đó đã tác động đến tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu trên địa bàn trong quý I-2020.
Cụ thể, trong tháng 3-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,4% so với tháng trước nhưng giảm 6,6% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, IIP ước giảm 1% so cùng kỳ (3 tháng cùng kỳ năm 2019 tăng 6,2%). Ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất, ước giảm 1,7% (cùng kỳ tăng 6,1%); 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số bằng cùng kỳ năm 2019 (IIP 4 ngành quý 1 ước đạt 100%), cao hơn 1,0 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, 2/4 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ; cụ thể: hóa chất - cao su - nhựa tăng 8%; sản xuất hàng điện tử tăng 11,5%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 5,4%; cơ khí giảm 8,2%.
Lý giải về tình hình tăng, giảm trên, Sở Công Thương TP HCM cho biết, xu hướng hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường; theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hướng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu, giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 202 siêu thị , 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi (tăng 12 cửa hàng so với cuối năm 2019). Cuối cùng là khả năng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của DN trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương TPHCM, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý II-2020 là tiếp tục chủ động, bám sát tình hình và nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các kịch bản tác động của dịch Covid-19 để có thông tin kịp thời về tình hình; đánh giá khả năng tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn và chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích doanh nghiệp khuyến mãi giảm giá sản phẩm khi thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển hạ tầng thương mại, bao gồm phát triển các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình chợ.
Tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên những website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh Việt Nam triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa; khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hóa trên môi trường trực tuyến.
Đối với các chương trình, đề án trọng điểm, Sở tiếp tục hoàn chỉnh Đề án Phát triển ngành thương mại điện tử thành phố đến năm 2025, định hướng 2030; Đề án thành lập Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất TP; tổ chức công bố, triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2020; tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo điều phối nguồn hàng; tiếp tục làm việc với các chợ đầu mối và các chợ chủ lực khác trên địa bàn TP nhằm nắm bắt tình hình cung - cầu hàng hóa, tổ chức điều phối nguồn hàng, đảm bảo phục vụ đáp ứng theo nhu cầu của người dân, đặc biệt trong điều kiện thói quen tiêu dùng, sức mua, giá cả một số mặt hàng đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.