Quảng Bình: 11 năm đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Chỉ tính riêng năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên tuyền, phổ biến một số quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến thực hiện CVĐ cho 400 học viên là cán bộ Mặt trận cơ sở. Thông qua lớp tập huấn, các cán bộ Mặt trận cơ sở được nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện CVĐ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng tổ chức 487 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng CVĐ với sự tham gia của 26.230 người.
Cùng với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo CVĐ các huyện, thị xã, thành phố còn tăng cường chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với chính quyền hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam kết không sản xuất, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế cho thấy, CVĐ đã góp phần tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng cá nhân, gia đình cũng như khi mua sắm tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương tuyên truyền, triển khai thực hiện đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với CVĐ theo Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các chương trình, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức hội chợ xuân, hội chợ thương mại ở các huyện, thị xã, thành phố…
Các đơn vị cũng chú trọng công tác truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện CVĐ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh, Sở Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt. Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tính từ năm 2015 đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 10 điểm bán hàng Việt và cửa hàng tiện ích bán hàng Việt tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sở cũng phối hợp với Bộ Công thương hỗ trợ Công ty TNHH MTV An Nông xây dựng điểm bán hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại TP. Đồng Hới.
Hiện nay, các điểm bán hàng Việt đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, khuyến khích cán bộ, đảng viên sử dụng hàng Việt, làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù của tỉnh…