Người Việt phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sáng 2/8, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đây là cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Qua thực hiện đã tạo nên diện mạo mới về hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh doanh trong nước.
“Bây giờ ra nước ngoài, vào siêu thị lớn, bên cạnh nhãn hàng lớn có uy tín ta thấy có cả hàng hóa “made in Việt Nam”, tự hào vô cùng. Chúng ta phải biết tự hào với hàng của mình”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, nhiều sản phẩm Việt Nam đã cạnh tranh được với khu vực, thế giới, chinh phục được người tiêu dùng trong nước, không chỉ dựa vào vận động, thuyết phục. Qua đó cho thấy được sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam, sự trưởng thành trong quy trình phân phối sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng nêu ra những bất cập, hạn chế, thậm chí có hiện tượng “đánh thẳng” vào mặt hàng truyền thống của người Việt. “Như thế không được. Vừa rồi ta xử lý, các đồng chí biết cả rồi. Ai lại làm thế? Anh phải trân trọng hàng Việt, nhất là hàng truyền thống”, ông Vượng nói. Bên cạnh đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, diễn ra ở nhiều nơi. Đây là vấn đề rất nhức nhối, đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào nền sản xuất của người Việt Nam.
Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Trần Quốc Vượng, có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy, các ngành quản lý ở cơ sở. Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở, tại địa bàn dân cư như thế mà không biết? “Hàng trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm cờ bạc ở Hải Phòng một thời gian dài mà không phát hiện. Đây là công của ngành công an, nhưng thông qua đó thấy rõ yếu kém sơ hở. Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm”, ông Trần Quốc Vượng lưu ý.”
Để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, theo ông Trần Quốc Vượng, các doanh nghiệp, người sản xuất phải không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn...
“Một đất nước có tới gần 100 triệu dân, thị trường rất lớn. Cho nên khâu bán lẻ phải hết sức chú ý. Chúng tôi nhiều lúc thấy thông tin rất giật mình là hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều bị người nước ngoài thôn tính. Dĩ nhiên hội nhập quốc tế, nhưng làm sao người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Nếu người nước ngoài vào đây phải có điều kiện gì chứ”, Thường trực Ban Bí thư nói và nhắc đến vụ việc “xảy ra ở BigC” và nhấn mạnh “đó là nhiệm vụ của cuộc vận động”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, các ngành, các doanh nghiệp cần chung tay tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó mở rộng, nâng cao hiệu quả các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.