Nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam
Mặc dù được đánh giá là “cây tỷ đô” có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch chỉ ở mức bình quân 6,57%; giá trị hạt cà phê Việt Nam chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân chủ yếu do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp, chỉ 7% cà phê Việt Nam được chế biến sâu, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn 93%.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sản xuất, chế biến cà phê đã thảo luận làm rõ khái niệm, tiêu chuẩn, cách tiếp cận thị trường cà phê đặc sản; lợi ích từ việc phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam. Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Trịnh Đức Minh cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển cà phê đặc sản, thực tế đã có nhiều vùng sản xuất cà phê ở Việt Nam như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Sơn La có bộ giống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cà phê đặc sản.
Hiện cả nước có 50 đơn vị, nông hộ, trang trại nhà sản xuất, trồng, chế biến cà phê đặc sản, sản lượng 200 tấn mỗi năm, một số nhà sản xuất đã tiên phong đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng, dạy nghề, cung ứng cung cấp thiết bị đánh giá chất lượng cà phê. Để phát triển ngành hàng cà phê đặc sản, theo ông Trịnh Đức Minh, cà phê cần được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao, có cơ chế cho người trồng, doanh nghiệp chế biến, tăng cường quảng bá, mời gọi đầu tư, liên kết tạo ra thị trường cung cầu ổn định.
Tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng có diện tích 177.000 ha. Di Linh và Lâm Hà là hai địa phương được tỉnh lựa chọn để trồng cà phê đặc sản, nơi đây có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Lâm Đồng ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến cà phê đặc sản, xác định phân khúc thị trường và quảng bá thị trường cà phê đặc sản, nhằm gia tăng giá trị hạt cà phê, mang lại giá trị cao cho người trồng cà phê.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao tại Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê mà tập trung tái canh, áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tỉnh tập trung mời gọi đầu tư chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới, ưu tiên nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, vốn vay tái canh, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung, đặc biệt là cà phê đặc sản.
Theo tiến sỹ Manuel Diaz.P chuyên gia tư vấn cà phê đến từ Mexico, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 trên thế giới thế nhưng giá trị cà phê mang lại cho Việt Nam chưa cao. Để nâng cao nâng cao chất lượng cà phê, Việt Nam cần xây dựng một quy chuẩn khắt khe hơn đối với sản xuất cà phê, tìm hướng nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, chứ không nên nâng cao sản lượng cà phê dựa vao phân bón.
Cà phê đặc sản đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam ngành hàng nay còn rất mới mẻ nên cần khai thác, quảng bá cà phê đặc sản ở thị trường trong nước tốt hơn sau đó mới đến thị trường ngoài nước.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông Lê Quốc Doanh khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết đồng hành cùng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xây dựng chương trình, đề án cụ thể phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. Để phát triển ngành hàng cà phê đặc sản, tham gia vào thị phần cà phê nhiều tiềm năng này trước mắt các doanh nghiệp, người nông dân trồng cà phê phải vào cuộc thay đổi tư duy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê, tăng cường mời gọi, quảng bá cà phê và các sản phẩm cà phê, chúng ta phải khẳng định rằng Việt Nam không chỉ nhiều cà phê, có phê ngon mà còn có cà phê đặc sản.