Kết nối cung cầu để không còn nông sản ùn tắc
Năm 2022, tiếp tục triển khai cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đến việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu.
Chiều 30-3 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Cùng với việc rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương, ông đề nghị Ban Chỉ đạo cần quan tâm tới việc ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hàng Việt.
Đồng thời, tăng cường các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường và nâng cao vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo trong kiểm tra triển khai cuộc vận động của từng địa phương.
Để tạo sức lan tỏa của cuộc vận động, ông cho rằng cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tuyên dương, biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn các sản phẩm chất lượng tại mỗi địa phương. Đây chính là động lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Bộ Công thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tham mưu hoạt động kết nối cung cầu để không còn hiện tượng nông sản Việt ùn tắc như hiện nay.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, tăng cường đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế… công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù, phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về biên giới; giới thiệu các mặt hàng OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh tới việc vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.