Chuyển biến tích cực nhận thức tiêu dùng hàng Việt tại Sóc Trăng
Thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được trách nhiệm của đơn vị; nhất là xác định được việc tham gia cuộc vận động sẽ là một trong những cơ hội, điều kiện để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong đầu tư kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu trên thị trường; tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Trong giai đoạn 2015-2020, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp thường xuyên quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức, nội dung hoạt động như tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất; tham gia kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức trên 25 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 1,3 triệu lượt người tham dự; tổ chức trên 3 nghìn cuộc hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện, thu hút gần 1,6 triệu lượt người đến tham quan và mua sắm.
Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn cùng tác động của dịch COVID-19, nhiều công ty, đơn vị và doanh nghiệp đã hạn chế tham gia và tổ chức các chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức được 329 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút được hơn 330 nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục lan tỏa, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quan trọng nhất là đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng về các phiên chợ, hội chợ, sự kiện thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị mở rộng thị trường, tăng doanh thu cũng như phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.