Thái Bình: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, tỉnh Thái Bình đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tập huấn nâng cao cho doanh nghiệp về cách thức quảng bá sản phẩm, khai thác sàn thương mại điện tử, đào tạo tư vấn các biện pháp hữu hiệu để giao dịch trên sàn…
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3,4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, trứng vịt biển Đông Xuyên, cây phát lộc Minh Tân … hay các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và thực phẩm chế biến được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.
Với mục tiêu tận dụng các lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử quốc tế đồng thời mở rộng kênh phân phối trong nước.
Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử năm 2023 ngày 10/8, bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, trong thời gian qua, Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh (//ecthaibinh.com), hỗ trợ 03 đơn vị xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến, khoảng 300 đơn vị với khoảng 2000 sản phẩm gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 2445/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025. “Theo đó, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp triển khai nội dung thuộc Bộ tiêu chí này để hướng đến việc các xã phải có sản phẩm tiêu biểu bán qua kênh thương mại điện tử với quy định tỉ lệ sản phẩm chủ lực bán qua kênh thương mại điện tử là ít nhất 10%” - bà Hương Lan thông tin.
Cũng tại Hội nghị này, bà Hoàng Oanh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về quy trình quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Alibaba.com một cách hiệu quả cũng như những điều kiện cần thiết để có thể triển khai xuất khẩu sản phẩm qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Hoàng Oanh cho biết Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc trưng xuất phát từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và mặt hàng thủ công mỹ nghệ sở hữu nhiều cơ hội và thế mạnh để cạnh tranh tại thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Thương mại điện tử xuyên biên giới phục vụ xuất khẩu đang dần trở thành một trong những kênh xuất khẩu mới và quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp địa phương. Ngay tại Thái Bình, doanh nghiệp sứ Hảo Cảnh đã có nhiều năm kinh doanh trên Sàn thương mại điện tử Alibaba và đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất sản xuất và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp địa phương còn có những hạn chế nhất định do vậy việc xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử của chính doanh nghiệp cũng gặp phải không ít khó khăn. Đây là những điểm các doanh nghiệp địa phương cần tập trung cải thiện trong thời gian tới.