Phát triển xanh – Cách tiếp cận cho các thương hiệu Việt
Trước tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, thế giới đang chuyển hướng sang tiêu dùng xanh, phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí thải nhà kính và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Thay đổi tư duy, chuyển đổi sản xuất xanh
Phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc trong ngành kinh doanh trên toàn thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài xu thế này. Thực tế cho thấy phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng đó, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông Alex Haigh- Giám đốc điều hành Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Brand Finance: Hiện quan điểm của người tiêu dùng là ủng hộ những sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Đây cũng là định hướng để các doanh nghiệp có định hướng trong phát triển của mình. Các hoạt động đầu tư vào môi trường bền vững sẽ mang lại một số giá trị nhất định cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường thì người tiêu dùng đánh giá cao doanh nghiệp đó và ủng hộ sản phẩm đó nhiều hơn.
Để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi sản xuất và tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có tư duy đúng về phát triển bền vững để tận dụng những ưu đãi thuế quan trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia để thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những yêu cầu đặt ra trong các FTA là doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hoá nguồn tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước với những đòi hỏi ngày càng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển. Doanh nghiệp có thể xem đây như là khoản đầu tư, tuy chưa mang lại ngay hiệu quả kinh tế tức thì trong ngắn hạn nhưng về lâu dài mang lại nhiều “trái ngọt”. Xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp, chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp...