Đưa sản phẩm bưởi Đại Minh, Yên Bình vươn xa
Từ lâu, bưởi Đại Minh đã trở thành đặc sản và là niềm tự hào của người dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, bởi trái bưởi bổ ra có mùi thơm dịu, đậm đà hương vị làng quê.
Khả Lĩnh là thôn "gốc" của giống bười Đại Minh, hiện có khoảng 80 ha. Giống bưởi quý từ đây nhân ra khắp vùng Đại Minh với diện tích toàn xã khoảng 400 ha. Hàng trăm hộ trồng bưởi với hàng chục vườn bưởi cổ thụ, vườn bưởi kiểu mẫu. Các hộ đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển cây bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ... ; chủ động liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác xã (HTX) như: HTX Dịch vụ nông nghiệp, HTX Bưởi đặc sản Đại Minh, HTX Bưởi VietGAP. 3 HTX này đang góp phần lớn tiêu thụ sản phẩm bưởi của địa phương.
Năm nay, trước tình hình kinh tế, thị trường nhiều biến động, sản phẩm bưởi tiêu thụ khó khăn hơn, giá cả thấp hơn so với các năm trước. Nhưng với sự vào cuộc của quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp HTX, đến nay, bưởi Đại Minh vẫn giữ được chỗ đứng ổn định trên thị trường.
Bưởi Đại Minh cho thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 1 Âm lịch năm sau; giá bán năm nay từ 8 nghìn đến 25 nghìn đồng, tùy vào chất lượng quả. Thương lái có thể vào tận vườn mua hoặc kết nối với các HTX. Năm nay, bưởi Đại Minh ước tính sản lượng khoảng 53 nghìn tấn, cho tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng. Sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước.
Để tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm bưởi Đại Minh và chuẩn bị tốt cho Ngày hội khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà và sản vật bưởi Đại Minh năm 2023, xã Đại Minhđã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách: tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa vườn tược để sẵn sàng đón khách; đội tế lễ luyện tập đảm bảo cho ngày khai mạc Lễ hội.
Hiện huyện Yên Bình có trên 1.000 ha bưởi, tập trung chủ yếu ở 2 xã Đại Minh, Hán Đà. Đây là cây trồng chủ lực của huyện, vì vậy, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; mời các viện nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Cùng đó, huyện cũng đã triển khai các chuỗi giá trị liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các hoạt động quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mạng Facebook, Zalo, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước… để tăng thu nhập cho người dân và tạo chỗ đứng ổn định trên thị trường cho quả bưởi đặc sản.