Cá thính Lập Thạch - món ngon đặc trưng ở Vĩnh Phúc
Ai đã một lần ghé về Lập Thạch – Vĩnh Phúc không thể quên được hương vị của món cá thính (hay còn gọi là cá muối chua). Cá thơm quyện nơi đầu lưỡi, tan chảy quyện với những hạt thính màu vàng li ti, khiến ai từng một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị này.
“Cá thính” hay còn được người dân ở Văn Quán (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gọi là cá muối chua. Để làm được món cá thính, đòi hỏi người làm phải có sự cầu kỳ tỉ mỉ, nhất là trong khâu chuẩn bị. Có rất nhiều loại cá để làm cá thính như: cá mương, cá nẹp, cá riếc, cá rô ta, rô phi, cá chép, cá mè, cá quả… Nhưng có lẽ làm từ cá quả là ngon hơn cả. Cá được mổ sạch, đánh vẩy, bỏ lòng để ráo nước. Nếu là cá nhỏ thì để nguyên, còn cá to thì cắt thành từng khúc nhỏ khoảng hai đốt ngón tay. Sau đó, ướp muối cho cá rồi cho vào lọ. Vào mùa hè để 4 đến 5 ngày, còn mùa đông thì để 6 đến 7 ngày, lấy ra vắt kiệt nước.
Theo các tài liệu ghi lại, Lập Thạch xưa nay được ông trời ưu ái cho không biết bao nhiêu là tôm cá từ những sông những suối, những ao những hồ. Thế nhưng lúc bấy giờ dân làng không biết phải làm sao để bảo quản thực phẩm tươi được lâu dài, nếu không bảo quản thì ăn không làm sao hết vào những thời điểm nước lên. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, người ta đã nghĩ ra cách chế biến đặc biệt dành cho cá để có thể giữ được lâu hơn và càng ngày càng cải thiện mùi vị, ấy là món cá thính. Không có một món cá nào khác lại sử dụng phương pháp chế biến đặc biệt này, nhờ vậy cá thính chính là món ăn có một không hai, hương vị lại không đâu bì kịp.
Để giữ được một món ăn tươi và có mùi tanh được trong suốt một thời gian dài, các công đoạn chế biến cũng rất cầu kỳ. Cá được chọn phải là cá có vảy, sau khi làm cá thì rửa sạch để thật ráo nước. Ướp toàn bộ cá với muối trong một ngày, mục đích là để cá không bị ươn, hơn nữa sẽ cứng lại, không bị bở rục sau nhiều ngày. Làm thính bằng gạo rang vàng hoặc đậu tương, ngô xay nhuyễn, trộn thật đều vào cá sao cho mỗi con đều được khoác một lớp “áo thính” thật đẹp. Cho cá vào bình sứ lớn, ủ rơm sạch cho kín miệng bình rồi úp ngược bình, để nước chảy tong tong. Sau vài ngày lại xoay bình lại bình thường, lấy cá ra rũ sạch thính, thay thính mới xay vào. Sau khi thay thính khoảng chừng 3 lần thì mang để vào góc bếp, dùng dần.
Cá thính - món ngon không thể bỏ qua khi đặt chân tới Vĩnh Phúc
Cá thính ăn bằng cách nướng lửa than hoặc rán giòn, mùi vị rất thơm ngon. Những ngày xưa cũ, người dân Lập Thạch vẫn còn nhớ mãi cảnh cả gia đình quây quần nướng cá thính giữa mùa đông lạnh, cái ấm áp lẫn hương thơm ngạt ngào ấy thật khiến ai ai cũng thòm thèm.
Hương vị cá thính Lập Thạch lan ngày càng rộng nên có khôn ít người dân từ các địa phương khác cũng học và làm theo, nhưng chất lượng cũng khó mang tính đặc trưng như cá thính nguyên bản của huyện Lập Thạch.
Từ lâu, cá thính được sử dụng như một món quà đặc sản quê hương mà người dân Lập Thạch dành tặng khách quý. Món ăn tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết và sự trân trọng của người dân nơi đây. Năm 2010, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho đặc sản cá thính Lập Thạch vì quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.