Thái Lan đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử
Sự kiện xúc tiến “Dealer Online Connect” vừa được Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP), Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức diễn ra trong khoảng thời gian 24-28/05 nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đây là sự kiện thương mại điện tử quốc tế đầu tiên tổ chức tại Thái Lan gồm các chuỗi hoạt động trưng bày, giao thương, hội thảo trực tuyến.
Tại sự kiện, DITP đã mời nhiều nhà phân phối điện tử đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hồng Kông, Argentina, Lào và Nigeria để kết nối với 1.200 doanh nghiệp Thái Lan ứng dụng công nghệ đàm phán trực tuyến. Các sản phẩm của Thái Lan sẽ được phân phối trên các trang thương mại điện tử trực tuyến bao gồm Alibaba, Amazon, Tmall, Big Basket, Didi Global và một số trang thương mại điện tử khác. Ước tính doanh thu đạt mức tối thiểu 100 triệu Bạt.
Ngành thực phẩm nông nghiệp Thái Lan tăng trưởng -6% trong năm 2020
Ngành thực phẩm nông nghiệp của Thái Lan tăng trưởng -6%, tương đương 228 tỉ Bạt trong năm 2020; lực lượng lao động trong ngành này giảm 8% tương ứng với khoảng 730.000 người lao động. Việc phụ thuộc vào ngành du lịch – khu vực chiếm 9,5% tổng lượng tiêu thụ thực phẩm của cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid khiến ngành thực phẩm đặc biệt dễ bị tổn thương. Đây là viễn cảnh đáng lo ngại về khả năng hồi phục của lĩnh vực đóng góp tới ¼ tổng sản phẩm quốc nội, chiếm một nửa lao động cả nước và nộp 708 tỷ bạt tiền thuế vào ngân sách Thái Lan năm 2019.
Trong năm 2021, ngành thực phẩm của Thái Lan cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm (i) nhu cầu thực phẩm và thức uống giảm; (ii) thuế tăng do Chính phủ có thể tăng cường nguồn thu, đầu tư vào các công trình công cộng; (iii) chi phí sản xuất tăng do nhiều doanh nghiệp đóng cửa và người lao động bị sa thải.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực thực phẩm nông nghiệp kiến nghị Chính phủ cần xem xét, xây dựng và thông qua các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19 do tầm quan trọng của ngành trong nền kinh tế Thái Lan.
Kim ngạch xuất khẩu Thái Lan tăng trưởng 13,1% trong tháng 04/2021
Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt 13,09% trong tháng 04/2021 so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng trưởng cao nhất trong 03 năm qua do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Mức tăng trưởng thực tế cao hơn dự báo 9,6% của Reuters đưa ra trước đó và mức tăng trưởng 8,47% trong tháng 03/2021. Xuất khẩu trong tháng 04/2021 tăng trưởng mạnh do nhóm hàng hóa ô-tô, phụ tùng ô-tô, cao su, máy tính và dầu.
Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các thị trường trọng điểm và việc triển khai tiêm vắc xin Covid 19 đã góp phần vào sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu tới Trung Quốc - thị trường đứng đầu của Thái Lan tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ và các nước EU ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt đạt 9% và 52,5%.
Trong khi đó, trong tháng 04/2021, kim ngạch nhập khẩu tăng 29,79% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo 25,1% trước đó, thặng dư thương mại đạt 182 triệu USD. Trong khoảng thời gian tháng 01-04/2021, kim ngạch nhập khẩu tăng 13,85% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại đạt 698 triệu USD.
Chính phủ Thái Lan vay 500 tỉ Bạt hỗ trợ nền kinh tế
Quốc vương Thái Lan vừa thông qua kiến nghị của Chính phủ cho phép vay 500 tỉ Bạt nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch cúm Covid-19. Với quyết định này, Chính phủ Thái Lan có thể phát hành trái phiếu hoặc vay tiền Bạt, ngoại tệ với hạn mức tối đa 500 tỉ Bạt. Đây là lần thứ hai Chính phủ Thái Lan thông qua quyết định cho vay sau đợt vay lần đầu tiên trị giá 1 nghìn tỉ Bạt năm ngoái. Thời gian hoàn tất việc vay là 30/09 vào năm tới.
Với khoản ngân sách mới, 60% tương ứng 300 tỉ Bạt sử dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19; 34% tương ứng 170 tỉ Bạt sử dụng để giúp đỡ doanh nghiệp duy trì nhân lực và kích cầu đầu tư, tiêu dùng; 6% tương ứng 30 tỉ Bạt sử dụng để ngăn chặn Covid-19 thông qua các hoạt động mua trang thiết bị y tế và vắc-xin, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế phục vụ bệnh nhân điều trị Covid-19.