Tiểu thương chợ truyền thống ở Nghệ An thích ứng với bán hàng online
Dịch bệnh tại Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nên các tiểu thương ở khu chợ đầu mối, và khu thực phẩm chợ Vinh (hai khu chợ lớn nhất ở Nghệ An) không chỉ bán hàng tại chỗ mà còn đẩy mạnh bán hàng online và chấp nhận thanh toán không tiền mặt qua hình thức chuyển khoản.
Đây là bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ truyền thống nhằm giữ chân khách, tăng sức mua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn kéo dài.
Các tiểu thương chợ truyền thống ở TP. Vinh chuyển hướng bán hàng từ truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến trên các mạng xã hội |
Nếu như trước đây, hầu hết các tiểu thương chợ truyền thống đều quen với kiều bán hàng “tiền trao cháo múc” nên rất ngại lập tài khoản ngân hàng rồi thanh toán chuyển khoản. Vì phần lớn những người tham gia bán hàng tại chợ đều lớn tuổi ‘ngại công nghệ’. Nhưng khi đứng trước thực tế, dịch bệnh kéo dài như hiện nay, khách đến chợ truyền thống đang giảm đi từng ngày, khiến nhiều tiểu thương dần thay đổi suy nghĩ, tiếp cận cách bán hàng qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo hay Facebook…
Bà Nguyễn Thị Nga – tiểu thương bán trái cây tại chợ đầu mối TP. Vinh chia sẻ, ban đầu bà cũng ngại bán hàng qua mạng xã hội, nhưng sau vài lần được con gái hướng dẫn thì thấy quen và khá thuận lợi, lại không phải tiếp xúc với tiền mặt, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này. Giờ đây, bà Nga còn tự quay video, chụp ảnh hàng mới về đăng lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn. Nhờ đó, khi chợ đóng cửa, bà Nga vẫn giữ được các mối khách quen và doanh thu ổn định gần như khi chưa có dịch. “Cũng tiện lắm, giờ có trang “chợ thực phẩm - TP. Vinh”, rồi từ trang cá nhân của mình, khách xem và đặt hàng qua tin nhắn. Từ khi có dịch bệnh, chợ bị đóng lần này là lần thứ 2 nên doanh thu đã giảm đối với các khách lẻ, còn khách hàng qua mạng xã hội vẫn còn hoặc khách các tỉnh khác liên hệ qua điện thoại vẫn được giao hàng tận nơi, giờ đội ngũ shipper của tôi còn có thẻ chứng nhận của thành phố và có cả xét nghiệm PCR… ”, bà Nga cho biết.
Hay tại Facebook Hương Sen - chuyên bán rau củ ở chợ đầu mối, đã đăng trên trang “Chợ thực phẩm - TP. Vinh” - Dịch Covid-19 đang rất phức tạp tại TP. Vinh, nên hàng rau củ cũng bắt đầu khan hiếm, để phục vụ cho các bà mẹ nội trợ, cửa hàng có đặt hàng các loai rau Sapa. Chỉ cần gọi điện thoại hoặc đặt qua Facebook, Zalo là đã có rau tươi, sạch, ngon giao tới tận nhà. Với giá cả chỉ nhích hơn trước dịch một chút, như su su quả và ngọn đồng giá 20k/1kg; củ cải 25k/1kg; cà chua, bắp cải, đậu, cà rốt 35k/1kg… “Thời buổi dịch bệnh mà bán được hàng như vậy là tốt rồi, bán hàng online ngoài các trang mạng xã hội còn dựa chủ yếu vào khách quen, nên các sản phẩm của mình phải chất lượng, hàng hoá phải có nguồn gốc xuất xứ, tạo lòng tin cho khách hàng”, chị Hương Sen cho hay.
Ngay sau khi TP. Vinh bị giãn cách theo Chỉ thị 16, chợ đầu mối bị đóng của, tần xuất đi chợ của người dân được hạn chế bằng phiếu, chị Hoàng Mai (chung cư Tecco Tân Phát) tỏ ra khá bất ngờ khi được bạn mời vào nhóm chợ “Chợ thực phẩm - TP. Vinh). Tại trang này, quản lý trang Facebook ghi rõ: “Để đảm bảo an toàn cho các tiểu thương và khách hàng, cũng như thực hiện tốt Chỉ thị 16, các tiểu thương có nhu cầu bán hàng hoá bằng hình thức online, khi bán hàng trên trang cần đảm bảo an toàn cho khách và uy tín chất lượng hàng hoá, nếu không Ban quản trị sẽ mời ra khỏi nhóm…”. Theo lời chị Mai, trong “chợ online này” gì cũng có từ, rau củ quả, thịt, tôm, cá, đồ tươi sống đồ nẫu sẵn…, hàng ship tới tận cửa, và thanh toán theo hình thức chuyển khoản rất thuận lợi.
Có thể thấy, để thay đổi phù hợp với thời cuộc không chỉ có các siêu thị, các chuỗi cửa hàng hiện đại, mà bà con tiểu thương cũng bắt đầu bắt kịp xu thế, khá nhanh nhạy để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.
Vượt khó thời dịch
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh - cho biết, hiện hầu hết các tiểu thương ở chợ Vinh đã dừng bán, chỉ còn đôi ba hộ ở khu bán trái cây, một số ít bán gạo. Khi được hỏi về xu thế bán hàng online của các tiểu thương ở chợ truyền thống, ông Đắc cho biết thêm: “Hiện Ban quản lý đang tập trung phòng chống dịch, còn lại vẫn chưa hỗ trợ được hướng chuyển bán bàng của bà con trong xu thế mới. Chỉ có một số tiểu thương nhanh nhạy, đủ động tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến.”
Tiểu thương chợ truyền thống trước đây chỉ quen bán hàng trực tiếp nay thích nghi với phương thức bán hàng qua Zalo, qua điện thoại... và thực hiện thanh toán trực tuyến |
Còn tại chợ đầu mối TP. Vinh, theo Ban quản lý chợ này, ngày càng nhiều tiểu thương chuyển từ thụ động chờ khách hỏi mua, sang chủ động online tìm kiếm khách hàng và bán được hàng, vượt khó trong tình hình dịch bệnh.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, để đổi mới cách thức bán hàng tại chợ truyền thông là một điều không dễ. Tuy nhiên, trước tình hình này, các tiểu thương phải tự thích nghi, chuyển đổi để thu hút khách hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và giá cả. Hiện, nhiều tiểu thương đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng qua mạng, bán hàng online trên các trang mạng xã hội và bước đầu cũng cho kết quả khả quan. Ngoài ra, để giữ nguồn khách hàng ổn định, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống đã làm quen dần với việc ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất để có nguồn hàng chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm mình bán và có trách nhiệm với người mua.
Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, chợ truyền thống cũng đã vãn khách, các tiểu thương cũng đang chịu áp lực lớn buộc phải thay đổi cách bán hàng để cạnh tranh với các hình thức bán hàng hiện đại như siêu thị, trung tâm thuơng mại, các cửa hàng tiện lợi…. Hiện nay, khi dịch Covid-19 hoành hành đã khiến tiểu thương chợ truyền thống nhanh chóng chuyển mình thích nghi và tận dụng mọi hình thức bán hàng để tồn tại.