Những ngôi chợ hồi sinh
Gần như 100% chợ ở TPHCM đã mở cửa trở lại, du khách trong nước và quốc tế cũng bắt đầu đến tham quan, mua sắm.
Chợ Bến Thành ngày càng có nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua sắm
“Tôi vừa bán được khá nhiều mặt hàng cho một khách Việt kiều và 2 người nước ngoài trị giá gần chục triệu đồng. Sau khi mua hàng, họ cho biết sẽ còn quay lại và đưa thêm nhiều bạn bè đến. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng chứng tỏ chợ dần hồi sinh. Hôm rồi, mấy công ty du lịch còn đưa đoàn khách Mỹ đến chợ mua sắm rất nhộn nhịp. Hy vọng trong những ngày sắp tới, khách trong và ngoài nước sẽ đến nhiều hơn. Chúng tôi cũng tranh thủ nhập thêm hàng mới, trang trí lại quầy hàng tươm tất để chờ đón du khách”, bà Thu bộc bạch. Không chỉ bán vải, gần đây bà Thu còn nhận may đo ngay tại chỗ theo yêu cầu của khách.
Trong chợ Bến Thành, tiểu thương các quầy hàng mỹ nghệ, quần áo, giày dép… đều phấn khởi khi chợ đã nhộn nhịp hơn so với giai đoạn vừa mở cửa trở lại sau dịch. “Mặc dù còn nhiều quầy hàng vẫn chưa hoạt động trở lại nhưng tôi tin rằng, ngày chợ Bến Thành vui sẽ không còn xa. Để giữ chân khách, chúng tôi niêm yết giá bán công khai, bán hàng có nguồn gốc; luôn vui vẻ, nhiệt tình giới thiệu sản phẩm…”, chị Thu (chuyên bán rau củ) nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khẳng định, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã vận động các chợ truyền thống hoạt động trở lại. Đến nay đã có khoảng 92% chợ truyền thống trên địa bàn khôi phục hoạt động, số còn lại đang được nâng cấp, sửa chữa… “Hiện sở đang làm việc với UBND các quận, huyện để có các giải pháp phù hợp cho chợ truyền thống. Để định hướng đẩy mạnh các chợ truyền thống thì cũng định hướng đẩy mạnh các lợi thế các chợ như nguồn gốc hàng hoá, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả đảm bảo. Sở sẽ tiếp tục làm việc với UBND các quận, huyện để đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, bà Ngọc cho biết.
Tại chợ Bình Tây (quận 6), sức mua khởi sắc không chỉ do chợ được công nhận là điểm đến du lịch, mà còn do tiểu thương linh động chuyển đổi cách thức kinh doanh. Mặc dù là chợ chuyên bán sỉ nhưng giờ đây, đa số tiểu thương chuyển sang bán sỉ và lẻ để chạy hàng hơn. “Tôi áp dụng nhiều hình thức bán hàng từ sau mùa dịch chứ không chờ khách đến tận nơi như trước. Cụ thể, với bạn hàng ở xa, chỉ cần gọi điện thoại số lượng, cho địa chỉ, tôi sẽ đóng hàng và giao tận nơi, thậm chí gửi sang nước ngoài. Với khách mua lẻ, tôi sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu dù nhiều hay ít. Nhờ vậy, tôi có dòng tiền lưu động để xoay xở, giữ chân được lao động và quan trọng hơn là có thêm nhiều nguồn khách mới”, bà Minh, kinh doanh phụ kiện ngành tóc, kể.
Tại nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại như Sài Gòn Square,Vạn Hạnh Mall, Vincom…, các quầy hàng thời trang, ăn uống những ngày cuối tuần luôn chật kín khách. “Từ khi du lịch mở cửa, những đoàn khách trong và ngoài nước đến dạo chơi, mua sắm nhiều hơn đã giúp việc kinh doanh dần tốt lên. Có hôm tôi có khách cả ngày, doanh số gần 5-6 triệu đồng/ngày, tín hiệu rất khả quan”, chị Mỹ Hạnh, chủ shop Thế giới thời trang tại Sài Gòn Square, hào hứng nói.
Chia sẻ tin vui khi chợ dần hồi sinh, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành Lê Minh Hiệp cho biết, chợ có 500/1.300 (chiếm 40%) hộ đã kinh doanh trở lại. “Điều đáng mừng trong vài tuần nay, khách du lịch đã đến chợ nhiều hơn nên buôn bán tại chợ đang dần khởi sắc. Tiểu thương vẫn đang thăm dò sức mua, vì đã xác định ra chợ thì phải buôn bán được. Chợ vẫn duy trì công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đồng thời tuyên truyền tiểu thương cam kết bán hàng đúng giá, có tem truy xuất nguồn gốc… để khách yên tâm đến chợ”, ông Hiệp nói.