Xuất khẩu sang Anh: Tiếp tục khai thác dư địa từ Hiệp định UKVFTA
Thương mại song phương Việt Nam - Anh tăng trưởng khá tích cực dù có những khó khăn do tình hình kinh tế chung toàn cầu. Trong đó, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Vương quốc Anh trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Tiềm năng xuất khẩu sang Anh còn lớn
Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 11/9/1973. Nửa thế kỷ qua, hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và năng động trong nhiều lĩnh vực. Năm 2010, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2020 thông qua Tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ hai nước thúc đẩy hợp tác toàn diện về phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Hợp tác thương mại và đầu tư, một trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu thứ 9 của Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương (UKVFTA), có hiệu lực từ 1/5/2021. Trong 2 năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều liên tục tăng ở mức 16,4% vào năm 2021 và 6,5% vào năm 2022, đạt trên 6,8 tỷ USD trong năm 2022, gấp 3 lần so với năm 2010 khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Riêng Quý I/2023, tổng giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 1,58 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, Việt Nam thặng dư thương mại 1,23 tỷ USD, tăng 88,6 nghìn USD so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có xu hướng chậm lại, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, kinh tế Anh khó phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chi phí sản xuất - vận tải, nhất là chi phí năng lượng tăng cao. Hơn nữa, lạm phát cao và niềm tin tiêu dùng thấp khiến người dân Anh thắt chặt chi tiêu; nhu cầu thị trường giảm nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ ngoài trời hay đồ gia dụng lâu bền.
Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu và phân phối đồ gỗ tại Anh phá sản; tỷ giá giữa đồng Bảng Anh so với USD và VND biến động mạnh khiến rủi ro thanh toán đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Ngoài ra, việc xuất khẩu giảm còn do yêu cầu chất lượng cao; thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh; khoảng cách địa lý xa khiến chi phí vận tải cao hơn và thời gian giao hàng chậm hơn các nguồn hàng đến từ châu Âu và châu Phi.
Song, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Vương quốc Anh có sức mua lớn, hệ thống luật pháp chặt chẽ; hệ thống ngân hàng và hệ thống thanh toán tin cậy. Cùng đó, cộng đồng người Việt Nam tại Anh đang ngày càng phát triển và có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics, phân phối hàng tiêu dùng.
Đặc biệt, với lợi thế rất lớn từ UKVFTA đã xác lập một lộ trình miễn thuế cho hầu hết sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh và ngược lại. Nhờ đó, nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước Nam Mỹ.
Nổi bật trong đó là nhóm hàng nông sản, trái cây tươi. Bởi, với UKVFTA, các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang nước này được miễn thuế, đây là lợi thế lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để.
Minh chứng là đầu tháng 2 vừa qua, những trái bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) xuất khẩu chính ngạch và lần đầu tiên được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan (Anh) và nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt cũng như người tiêu dùng sở tại. Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình), lần đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn (11 tấn) sang Anh bởi Tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này… Đây là những tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản.
Dư địa cho các mặt hàng nào khi xuất khẩu sang Anh?
Nhận định từ giới phân tích, những cam kết từ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh hay Việt Nam đều được hưởng lợi. Hiện nay, 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh. Đến năm 2027, con số này sẽ nâng lên mức 99,2%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và khai khoáng. Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt. Cùng đó, Vương quốc Anh là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, nhất là công nghệ về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.
Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh. Đồng thời, tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, nhờ lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.
Đáng lưu ý, gần đây, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang lên cao tại Anh nhờ thành quả đổi mới của Việt Nam và quan hệ ngoại giao. Mặt khác, một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và đồ nội thất Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ tại London, Birmingham và Belfast nhờ sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh từ năm 2021 đến nay rất kỳ vọng sẽ có thêm bạn hàng mới và từng bước mở rộng thị phần tại thị trường này.
Tới đây, trong năm 2024, sau khi Anh chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một số sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: gạo thơm, cá ngừ và mật ong sẽ gia tăng thị phần tại Anh nhờ được cấp thêm nhiều hạn ngạch miễn thuế.
Việt Nam cũng có khả năng được các doanh nghiệp lớn của Anh lựa chọn là một trong những mắt xích quan trọng khi tái bố trí cơ sở sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trước những biến động của quan hệ quốc tế nhất là quan hệ giữa các nước lớn.
Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần định vị đây là một trong những thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển. Bởi vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu tiêu chuẩn và luật pháp Anh liên quan đến phát triển sản phẩm; nắm bắt những xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và tiêu dùng tại Anh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Anh để được tư vấn tiếp cận thị trường và hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên trang web //vietnamtradeoffice.co.uk. Mặt khác, doanh nghiệp tăng cường tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia và Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Anh và duy trì sự ổn định chất lượng đã đạt chuẩn...