Vĩnh Phúc: Đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Văn bản số 9051 về tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã quán triệt nghiêm túc, tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt là việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển mở rộng thị trường; khai thác các ưu đãi để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc tham gia thực hiện các hiệp định FTA trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao; việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, các hàng rào kỹ thuật thương mại vẫn là thách thức lớn cho hàng xuất khẩu của tỉnh do trình độ phát triển thấp hơn đa số các nước thành viên khác thuộc hiệp định. Môi trường thu hút đầu tư kinh doanh vẫn còn một vài điểm nghẽn, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành; UBND huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hiệp định.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về các FTA, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt và vận dụng linh hoạt, hiệu quả.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kịp thời rà soát, cụ thể hóa, hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ nhằm giúp việc triển khai thực hiện các Hiệp định FTA đạt hiệu quả trong thực tiễn.
Tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến về các FTA đã ký kết để các doanh nghiệp nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và cơ chế chính sách liên quan đến việc thực thi các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam đang là thành viên.
Hỗ trợ xuất khẩu tìm hiểu thông tin xuất, nhập khẩu liên quan đến các đối tác FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường trong thời kỳ mới; hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan của các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên vào thị trường Trung Quốc, thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và sự suy giảm sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trao đổi thương mại.
Tuy nhiên, nhờ tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, ngoài việc tiếp tục nâng cao tay nghề cho người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả các FTA để xây dựng nền tảng chiến lược cho doanh nghiệp.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt gần 22 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 11,8 tỷ USD, tăng 10,49% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 10 tỷ USD, giảm 0,61% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến năm 2023, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,45% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 0,06% so với năm 2022.
Đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng dệt may...
Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…
Để triển khai hiệu quả các FTA thế hệ mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch triển khai các FTA thế hệ mới, về hội nhập quốc tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Các chương trình nhằm mục tiêu sửa đổi văn bản pháp quy phù hợp với tinh thần FTA. Tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu, đào tạo cơ quan quản lý doanh nghiệp về nội dung cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới.
Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai nghiên cứu về nội dung và tác động của các FTA đến kinh tế xã hội địa phương. Qua đó xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, ngành hàng và các sản phẩm trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kịp thời rà soát, cụ thể hoá, hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ để triển khai thực hiện các FTA đạt hiệu quả hơn; hỗ trợ xuất khẩu tìm hiểu thông tin xuất nhập khẩu liên quan đến các đối tác FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường trong thời kỳ mới.