Vinatex: Xuất khẩu cả năm trên 24 tỷ USD khả quan
Tiếp tục tăng trưởng tốt
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm |
Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 |
|
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm có tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 10,2 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đều tăng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường này. Điều đó khẳng định uy tín cũng như năng lực cạnh tranh tốt của Vinatex.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu Tập đoàn đạt 25.250 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn hiện đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng tỷ lệ nội địa hóa và dần hướng theo phương thức sản xuất ODM, tiếp tục là đầu kéo quan trọng, dẫn dắt toàn Ngành hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn, nâng cao giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam.
Cổ phần hóa – Bước chuyển mình lịch sử
Năm 2014 cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong lịch sử phát triển của Vinatex khi Tập đoàn tiến hành cổ phần hóa theo Quyết định 646 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 23/6/2014 dự kiến sẽ phát hành thông báo cáo bạch thông tin CPH Tập đoàn. Ngày 2 và 4/7/2014 sẽ tổ chức Roadshow tại Hà Nội (KS Hilton) và TP.Hồ Chí Minh (KS. Caravelle). Ngày 22/7/2014, Tập đoàn chính thức IPO tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, Cổ phần hóa sẽ là bước phát triển tất yếu trong chiến lược chuyển đổi toàn diện của Tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh và khả năng khai thác cơ hội kinh doanh, năng lực thích ứng với xu thế phát triển của ngành Dệt May Việt Nam trong những thập kỷ tới. Cổ phần hóa làm thay đổi căn bản cấu trúc sở hữu của Tập đoàn từ 100% sở hữu nhà nước sang mô hình Công ty cổ phần. Đây là yếu tố then chốt nhằm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị và năng lực quản lý kinh doanh; nâng cao khả năng hấp thụ các mô hình quản trị kinh doanh tiên tiến của thế giới.
Khi Cổ phần hóa xong Vinatex có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài, bởi xu thế khi đầu tư vốn các cổ đông luôn muốn theo dõi, tham gia, hỗ trợ quản trị doanh nghiệp đã đầu tư. Đây là một nhân tố rất quan trọng để Vinatex có thêm nguồn lực quản trị và đẩy mạnh đầu tư vì đầu tư là phải tính đến nhân sự quản trị đầu tiên.
Xuất khẩu cả năm trên 24 tỷ USD khả quan
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex cũng cho biết thêm, hiện Tập đoàn đang trình Bộ Công Thương phê duyệt các tiêu chí và danh sách nhà đầu tư chiến lược. Vinatex có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối. Khả năng cổ phiếu Vinatex bán ra sẽ thành công do hai yếu tố: Vinatex đã tìm được nhà đầu tư chiến lược, và tỷ lệ cổ phiếu bán ra phù hợp với năng lực hấp thụ vốn của thị trường.
Trong 6 tháng cuối năm, khi các thị trường chính của Vinatex nói riêng và doanh nghiệp dệt may nói chung đều có tín hiệu tăng trưởng tốt, tình hình xuất khẩu của dệt may Việt Nam sẽ rất khả quan, toàn Ngành hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm trên 24 tỷ USD.