Việt Nam và Ma-rốc ký kết thành công hai Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp
Bản ghi nhớ được ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc Trần Quốc Thủy và đại diện các cơ quan liên quan của Ma-rốc.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng chuyến thăm Ma-rốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương, mở ra cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa hai nước. Với vị trí địa chính trị và tiềm năng phát triển kinh tế như hiện nay, Ma-rốc đang trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Quan hệ thương mại giữa hai nước đang có sự tăng trưởng tích cực với tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 207,2 triệu USD năm 2018, tăng 22,4% so với năm 2017; trong đó ta xuất khẩu 185,6 triệu USD, tăng 19,3% và nhập khẩu 21,6 triệu USD, tăng 57,7%.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và hợp tác công nghiệp song phương, Thứ trưởng cho rằng hai Bên cần tích cực khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà cả hai có thế mạnh sang các thị trường của nhau. Về phía Việt Nam, có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, nguyên phụ liệu dệt may, sợi các loại sang Ma-rốc. Và ngược lại, Ma-rốc có thế mạnh về sản xuất phân bón, khoáng sản, dược phẩm là những mặt hàng mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng An, Ngài Othmane EL FERDAOUS đánh giá cao sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong những năm gần đây, bày tỏ mong muốn học tập và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về chính sách phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Thông qua việc ký kết thành công hai Bản ghi nhớ, Ngài Quốc vụ khanh hi vọng hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung trong mối quan hệ giữa hai nước, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp hiện có.
Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về khả năng tiến tới đàm phán và ký mới Hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, thay thế cho Hiệp định thương mại đã ký năm 2001 không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Việc ký kết thành công hai Bản ghi nhớ kể trên là tiền đề quan trọng, tạo lập cơ chế hợp tác và đối thoại giữa hai Bộ chuyên ngành.
Thông tin về Vương quốc Ma-rốc Vương quốc Ma-rốc là quốc gia Hồi giáo nằm ở khu vực Bắc Phi, có diện tích gần 450 nghìn km2 và dân số khoảng 33 triệu người. Do nằm giáp Gibralta là điểm gần nhất ngăn cách châu Âu với châu Phi nên Ma-rốc có một vị trí địa chính trị rất quan trọng. Ma-rốc giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn phốt phát chiếm ¾ trữ lượng toàn cầu và là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về sản phẩm này, ngoài ra còn có than đá, cô-ban, sắt, chì, man-gan, bạc, thiếc và kẽm. Việt Nam và Ma-rốc lập quan hệ ngoại giao từ ngày 27/3/1961. Hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi đoàn các cấp và đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định thương mại (2001), Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt (2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2008), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch (2012). Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Ma-rốc có sự tăng trưởng tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 207,2 triệu USD, tăng 22,4% so với năm 2017; trong đó ta xuất khẩu 185,6 triệu USD, tăng 19,3% và nhập khẩu 21,6 triệu USD, tăng 57,7%. Trong cán cân thương mại giữa hai nước những năm đây, Việt Nam xuất siêu là chủ yếu. Về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Ma-rốc chủ yếu các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, cà phê, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, hạt tiêu… và nhập khẩu các sản phẩm thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân DAP cùng một số hàng hóa khác. |