Tình hình thị trường trong nước tháng 03 năm 2013
Quý 1/2013: Đây là giai đoạn thị trường hàng hóa tiêu dùng sôi động nhất trong năm do có các dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là ngành công thương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ trong các dịp lễ, Tết đã được các địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, chất lượng ngày càng đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết, giúp tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá ổn định cho thị trường, định hướng và giữ ổn định tâm lý cho thị trường nhất là trong những ngày cận Tết. Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua đã có 44/63 tỉnh triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn với tổng số vốn hỗ trợ khoảng 1.665,6 tỷ đồng. Cùng với chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp tham gia đã không ngừng gia tăng các điểm bán hàng, các chuyến hàng đến các vùng nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xã để phục vụ người dân mua sắm Tết.
Như vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ ngành, sự đồng lòng và tích cực của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, công tác phục vụ Tết đã được triển khai rất tốt, thị trường hàng hóa ổn định, hiện tượng đầu cơ, tăng giá do tâm lý đã được hạn chế tối đa, người dân được đón Tết vui vẻ, tiết kiệm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 3/2013 đạt 211.301 tỷ đồng, giảm 0,64% so với tháng 2/2013. Trong cơ cấu tổng mức tháng 3, nhóm khiến tổng mức chung giảm là nhóm thương nghiệp (giảm 1,04%), các nhóm còn lại đều tăng sau kỳ nghỉ Tết và tăng trở lại mạnh nhất là nhóm du lịch (tăng 4,37%). Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt 636.161 tỷ đồng, tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhóm khách sạn, nhà hàng và nhóm dịch vụ là những nhóm có mức tăng cao hơn cả (tăng trên 15%), nhóm có tỷ trọng cao nhất là thương nghiệp chỉ tăng 10,74% và nhóm du lịch chỉ tăng 3,96%. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá tiêu dùng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 đã giảm 0,19% so với tháng 2/2013. Sau dịp Tết Nguyên đán nhu cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm, đồ uống và dịch vụ vận tải, khách du lịch giảm mạnh nên các mặt hàng thuộc nhóm này sau thời gian tăng lên mức cao đã giảm trở lại mức trước dịp Tết. Trong cơ cấu CPI tháng 3, nhóm giảm mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53% do nhóm lương thực giảm 0,59%, nhóm thực phẩm giảm 0,95%; tiếp đến là nhóm giao thông giảm 0,25%, nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,08%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%; các nhóm còn lại tăng thấp, chỉ tăng 0,02-0,25%. Trong cơ cấu vùng, CPI tháng 3 của hầu hết các vùng đều giảm so với tháng 2, chỉ riêng vùng Duyên hải miền Trung tăng nhẹ (tăng 0,09%) do một số địa phương có giá lương thực tăng nhẹ.
Như vậy CPI quý I năm 2013 tăng 2,39%, trong đó nhóm có sự đóng góp lớn của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,1% (do các mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn trong 2 tháng đầu năm và trong dịp Tết), tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,1% (trong đó dịch vụ y tế tăng 10,21%) do một số địa phương điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế, nhóm tăng cao thứ 3 là nhóm may mặc mũ nón giầy dép tăng 2,58% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng cao trong dịp Tết, các nhóm còn lại tăng từ 0,37 - 1,98%, riêng nhóm bưu chính giảm 1,3%. Với CPI 3 tháng đầu năm đã ở mức 2,39%, trong đó nổi bật là nhóm dịch vụ y tế tăng tới 10,21%, trong bối cảnh một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình, cần tiếp tục chủ động có các giải pháp điều hành đồng bộ, quyết liệt để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đặt ra.
Nhìn chung ba tháng đầu năm 2013, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Mặt bằng giá hàng hoá 3 tháng đầu năm 2013 biến động chủ yếu do các nhân tố chính sau:
Các yếu tố gây tăng giá
Giá một số mặt hàng nhiên liệu trên thị trường thế giới (như xăng dầu, kim loại, năng lượng) ở mức cao hơn gây áp lực tới giá nguyên liệu nhập khẩu trong nước;
Việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế tại một số địa phương sau thời gian hoãn lộ trình (Theo Bộ Tài chính có 10 tỉnh, thành phố đã điều chỉnh trong tháng 1/2013; 01 thành phố điều chỉnh trong tháng 3/2013);
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhưng vẫn còn cao, tác động đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, v.v...
Các yếu tố tác động giảm giá
Công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện và triển khai tích cực. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013 đã tạo tâm lý ổn định cho thị trường và giảm thiểu hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong dịp Tết, hạn chế việc tăng giá tùy tiện ngoài thị trường;
Thời tiết thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, giá lương thực có chiều hướng giảm;
Sức mua trên thị trường không cao do sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của người dân.