Thanh tra công tác nhập khẩu ô tô tại Tổng cục Hải quan
Cụ thể, đoàn thanh chuyên ngành về công tác nhập khẩu ô tô gồm 14 người, do một Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính làm trưởng đoàn. Nội dung công việc gồm tiến hành thanh tra việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác quản lý giám sát hải quan; thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động nhập khẩu xe ô tô tại Tổng cục Hải quan, các đơn vị trực thuộc và các cá nhân có liên quan. Thời kỳ thanh tra áp dụng từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 30/9/2016. Thời gian thanh tra thực hiện trong tháng 10 năm nay, dự kiến kéo dài trong vòng 45 ngày.
Trước đó, dư luận đã dấy lên các câu hỏi nghi vấn gian lận thuế trước hiện tượng xe siêu sang nhập khẩu về tăng bất thường nhưng có giá khai báo rất thấp để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. Hiện tượng này đặc biệt tăng cao vì trước ngày 1/7/2016, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chính thức có hiệu lực đánh thuế cao đối với xe con nhập khẩu có dung tích lớn. Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề cũng trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan gồm hải quan, thuế... trong quản lý và xử lý việc nhập khẩu ô tô quà biếu, quà tặng. Kết quả kiểm tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10.
Đối với hoạt động nhập khẩu ô tô thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo kiểm tra công tác nhập khẩu ô tô, đặc biệt là xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. Cụ thể là kiểm soát giá khai báo nhập khẩu đầu vào tại các cửa khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm báo giá sai để xác minh, làm rõ hóa đơn đầu ra - đầu vào nhằm tránh thất thu thuế cho Nhà nước, đồng thời có chế tài xử lý thật nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm.
VAMI tính toán với chiêu khai báo giá trị thấp đối với ô tô nhâp khẩu chỉ bằng khoảng 1/2 giá trị thực, đối chiếu với số lượng tờ khai đã thực hiện đến tháng 6/2016 thì mỗi xe nhập khẩu về Việt Nam, ngân sách Nhà nước thất thu khoảng 4.759 USD (tương ứng 104 triệu đồng/chiếc). "Giả sử 1 năm, Việt Nam nhập dòng xe này với số lượng là 10.000 chiếc, thì số tiền thất thu sẽ vào khoảng 47,5 triệu USD tương ứng hơn 1.000 tỉ đồng” - VAMI ước tính.
Theo VAMI, việc khai báo giá trị thấp khiến Nhà nước thất thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Quan trọng hơn, điều này khiến các doanh nghiệp cơ khí đã đầu tư để nội địa hóa gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp có thể phải đóng cửa, ngừng sản xuất khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước không cạnh tranh được với xe nhập khẩu.