Hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại vùng biên giới
Tham dự Hội nghị có trên 100 đại biểu, đại diện một số Bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo địa phương, các Sở Công Thương có chung đường biên giới với các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, các vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn... trên cả nước.
Tại Hội nghị, nhiều đề xuất cụ thể đã được đề cập tới như xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại (như phát triển cơ sở hạ tầng, vay vốn, ưu đãi về thuế, các chính sách xuất nhập khẩu...); phát triển thương mại biên giới (bổ sung, sửa đổi một số chính sách cho phù hợp, phân cấp cho UBND các tỉnh biên giới...); tích cực phát triển thương nhân, DN, tổ chức hoạt động thương mại tại vùng đặc biệt khó khăn; tập trung phát triển mặt hàng có thế mạnh; quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ thương mại (chợ, cửa hàng, siêu thị nhỏ, hệ thống kho hàng bến bãi, dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ thanh toán...); phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ về phát triển vùng đặc biệt khó khăn này.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cần tập trung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại để phát triển các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, có những chính sách hỗ trợ đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là khuyến khích thúc đẩy thương mại biên giới nhằm nâng cao kim ngạch buôn bán giữa các vùng và nước ngoài.
PT.