Thái Lan gấp rút hoàn thành báo cáo nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP
1. Thái Lan gấp rút hoàn thành báo cáo nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP
Bộ Tài chính Thái Lan đang gấp rút hoàn thành báo cáo nghiên cứu ưu và nhược điểm kèm theo mức độ ảnh hưởng của việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith đánh giá việc gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thái Lan. Sau khi hoàn thành, báo cáo sẽ được trình Ủy ban Chính sách Thương mại Quốc tế và nội các nước này để thông qua quyết định gia nhập Hiệp định CPTPP.
Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã yêu cầu các cơ quan liên quan nộp báo cáo về tác động Hiệp định CPTPP vào trung tuần tháng 04/2021 để Chính phủ xem xét, cân nhắc khả năng tham gia Hiệp định.
2. Làn sóng Covid thứ 3 tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Thái Lan 2021
Trong bối cảnh Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch Covid 19 thứ 3, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho biết đang xem xét “hạ mức dự báo 3% tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 đưa ra trước đó”. Trong khi đó, một số trung tâm nghiên cứu dự báo tăng trưởng cả năm của Thái Lan chỉ đạt 1,2 – 1,6%, nợ hộ gia đình lên tới 92% GDP. Với việc số lượng lây nhiễm liên tục lập kỷ lục, suy thoái kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn các đợt trước do tâm dịch ở Băng Cốc – nơi tập trung hoạt động kinh tế cao nhất cả nước. Chính quyền thủ đô Băng Cốc buộc phải đóng cửa 31 loại hình kinh doanh từ ngày 26/4 trong ít nhất 14 ngày. BOT đánh giá nền kinh tế Thái cần ít nhất 1 năm rưỡi để hồi phục như mức trước khi dịch bệnh bùng phát, trong đó xuất khẩu đóng vai trò nòng cốt.
Về du lịch, Bộ Du lịch và Thể thao nước này đã hạ dự báo doanh thu toàn ngành trong năm 2021 xuống còn 850 năm, trong khi năm 2019, ngành du lịch Thái Lan đóng góp 3.000 tỷ bạt (khoảng 100 tỷ usd), tương đương 18% tổng GDP cả nước. Ước tính đợt dịch thứ 3 có thể thổi bay doanh thu 100 tỷ bạt (3,19 tỷ usd) mỗi tháng của ngành du lịch, chủ yếu trong nhóm dịch vụ.
3. Chính phủ Thái Lan thông qua sắc lệnh khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ Thái Lan vừa thông qua 02 sắc lệnh khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm giảm lãi suất vay và gói trợ cấp 350 tỉ Bạt giúp đỡ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19. Đối với biện pháp hỗ trợ đầu, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu ngăn chặn doanh nghiệp cho vay tính lãi suất không công bằng trên tổng giá trị vay bằng cách áp dụng luật cũ đã được ban hành từ năm 1925 vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Căn cứ theo luật sửa đổi, lãi suất được tính theo mức 3%/ năm với mức trần giảm từ 7,5% xuống 5%/ năm. Ngoài ra, mức lãi suất sẽ được tính căn cứ theo tổng giá trị vay còn nợ.
Đối với biện pháp thứ hai, Chính phủ Thái Lan cung cấp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19 thông qua các khoản vay đạt tổng giá trị 250 tỉ Bạt. Phần còn lại của ngân sách 350 tỉ Bạt sẽ được dành để hỗ trợ doanh nghiệp không thể chi trả các khoản vay thông qua hình thức mua lại nợ hoặc nhà kho.
4. Thái Lan đăng ký chứng nhận nhãn hiệu gạo Hom Mali tại Hồng Kông
Cục Ngoại thương cho biết để ngăn chặn vấn nạn làm nhái, giả các sản phẩm của Thái Lan trong đó có gạo Hom Mali, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế phối hợp Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hồng Kông đăng ký chứng nhận gạo Hom Mali (gạo thơm hoa nhài) bằng tiếng Quảng Đông tại Hồng Kông để quảng bá sản phẩm gạo Hom Mali có xuất xứ từ Thái Lan.
Đây sẽ là một hướng tốt để quảng bá tiếp thị gạo Hom Mali, được kỳ vọng có thể tạo sự nhận biết, tin tưởng cho người tiêu dùng Hồng Kông về sản phẩm gạo dưới bao bì có dấu chứng nhận gạo Hom Mali của Thái Lan. Đặc biệt khi tình hình thị trường hiện tại bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 khiến người tiêu dùng tăng cường tích trữ gạo. Đây sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy tiêu thụ gạo thơm hoa nhài của Thái Lan tại thị trường Hồng Kông. Theo thống kê từ năm 2018-2020, mỗi năm Hồng Kông nhập khẩu hơn 100.000 tấn gạo Hom Mali, trị giá hơn 4,9 tỷ bạt mỗi năm. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình trạng khan hiếm container vẫn chưa được giải quyết, Hồng Kông đã tăng nhập khẩu gạo Hom Mali của Thái Lan thêm 3.000 tấn, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu bạt so với cùng kỳ năm 2020.
5. Xuất khẩu tháng 3 của Thái Lan tăng cao
Văn phòng Chiến lược và chính sách thương mại (OTP) cho biết xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 3 đạt giá trị 24,2 tỷ USD, tăng 8,47%, vượt hơn 20 tỷ USD trong tháng thứ hai liên tiếp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2021 tăng trưởng ở mức 6,0% so với mức tăng trưởng dự kiến 5,5% trước đó, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ và tốc độ phân phối vắc xin được đẩy nhanh trên khắp thế giới. Ngoài ra, dự kiến kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Thái Lan sẽ được cải thiện như Mỹ (+ 6,4%), Trung Quốc (+ 8,4%), Nhật Bản (+ 3,3%) và các nước châu Âu (+ 4,4%).
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 3 bao gồm ô tô, thiết bị và linh kiện, sản phẩm cao su, hạt nhựa, sắt thép và các sản phẩm hóa chất. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm tiếp tục tăng trưởng ở mức cao bao gồm cao su, sản phẩm dầu, sắn. Các sản phẩm liên quan đến công việc tại nhà (Work from Home) và các thiết bị gia dụng như máy tính, thiết bị và linh kiện, lò vi sóng, tủ lạnh và tủ đông,điều hòa không khí và linh kiện điện thoại, các sản phẩm liên quan đến phòng chống lây nhiễm và giảm thiểu dịch bệnh (thiết bị và dụng cụ y tế, găng tay cao su) tiếp tục có nhiều đơn đặt hàng.