Tác động của Covid-19 với kinh tế châu Phi
Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ ảnh hưởng nặng nề và tàn phá nền kinh tế châu Phi. Còn Ủy Ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) ngày 10/5 ước tính việc các nước châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đang khiến châu lục này mất 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi tháng, tương đương 65,7 tỷ USD. Dự báo, GDP của châu Phi sẽ giảm từ 3,2% năm 2019 xuống 1,8% năm 2020.
Kinh tế các nước sản xuất dầu châu Phi suy yếu do giá dầu giảm và những tác động của Covid-19
Nền kinh tế thế giới sụp đổ do đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu, sự giảm giá các sản phẩm cơ bản, thuế và lệnh hạn chế xã hội, du lịch tại nhiều nước châu Phi là những nguyên nhân chính của sự tăng trưởng âm này.
Trong số những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất, trước tiên phải kể đến thương mại. Theo dự báo, xuất nhập khẩu của các nước châu Phi sẽ sụt giảm ít nhất là 35% so với năm 2019 trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của châu Phi được dự báo giảm hơn 100 tỷ USD trong năm nay. Như vậy, tổng thiệt hại của ngoại thương châu Phi ước khoảng 270 tỷ USD.
5 nền kinh tế lớn của châu Phi gồm Nigéria, Nam Phi, Ai Cập, Algeria và Morocco chiếm trên 60% GDP lục địa đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch.
51% xuất khẩu của châu Phi được thực hiện với 4 đối tác nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh.
Châu Phi được xem là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất trong đó giá xuất khẩu đang có những biến động mạnh. Ước tính thiệt hại về tài chính của những nước xuất khẩu dầu thô vào khoảng 65 tỷ USD, trong đó Nigeria chiếm tới 19 tỷ USD.
Giá dầu thô giảm từ cuối năm 2014 kéo theo việc giảm tăng trưởng GDP của châu Phi cận sa mạc Sahara từ 5,1% năm 2014 xuống còn 1,4% năm 2016. Trong 7 tháng vừa qua, giá dầu thô đã sụt giảm 56%.
Từ tháng 1/2020, giá nguyên liệu không phải dầu lửa cũng giảm 30% : Nhôm giảm giá 0,49%, đồng 0,47% và chì 1,64%. Trong tháng tư vừa qua, giá cacao đã giảm 21%.
Chỉ có 15 quốc gia châu Phi trên tổng số 54 nước xuất khẩu thực phẩm cơ bản. Hiện nay, thương mại nhóm hàng này đang phải dừng lại. Nếu khủng hoảng kéo dài, châu Phi sẽ phải đối mặt với vấn đề về nhập khẩu những sản phẩm thiết yếu. Trước tiên là nhóm lương thực, thực phẩm như gạo, lúa mì. Hiện tại, giá bán những mặt hàng này tăng cao, tác động tiêu cực lên nền kinh tế lục địa đen. Tiếp đến là mặt hàng thuốc. Châu Phi đang phải mua 94% nhu cầu về thuốc tân dược (16 tỷ USD) trong đó 75% đến từ châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc.
Lĩnh vực du lịch và vận tải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các quốc gia châu Phi cũng chịu tổn thất lớn từ cuộc khủng hoảng. 95% đội bay châu Phi hiện không hoạt động.
Lượng kiều hối chuyển về châu Phi cũng giảm mạnh, từ 20-30% tùy theo quốc gia. Năm 2019, ước tính cộng đồng người châu Phi trên thế giới chuyển về nước khoảng 70 tỷ USD, đóng góp tới 10% GDP tại một số nước.
Các thị trường chứng khoán chính của châu Phi như Nam Phi, Nigeria, Casablanca và Ai Cập cũng đã sụt giảm trên 20%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lục địa cũng giảm mạnh và có sự dừng lại hoặc tháo chạy của các nhà đầu tư.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu liên quan đến COVID-19 có thể làm “bốc hơi” hàng chục triệu việc làm khắp châu Phi. Hơn 50% trong số 54 quốc gia châu Phi từ Uganda cho tới Nam Phi đã ban hành lệnh phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại và nhiều biện pháp khác để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hiệp quốc đã kêu gọi hành động để bảo vệ 30 triệu việc làm tại lục địa này, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và hàng không.
Những giải pháp đối với kinh tế châu Phi
Xin trợ giúp khẩn cấp và xóa nợ
Trong bối cảnh châu Phi đến gần "báo động đỏ", một số nước châu Phi đang phải nộp đơn xin giãn nợ hoặc xóa nợ để cứu nền kinh tế không rơi vào suy thoái.
Tổng thống Senegal, ông Macky Sall đã yêu cầu các đối tác song phương và đa phương của châu Phi hỗ trợ khả năng phục nền kinh tế châu Phi bằng cách xóa nợ. Tháng 11 năm 2019, UNCTAD ước tính, tổng nợ nước ngoài của các quốc gia kém phát triển đã tăng gấp đôi từ năm 2007 đến 2017, từ 146 tỷ USD lên tới 313 tỷ USD.
Từ đây, chính phủ nhiều nước đã kêu gọi gói kích thích kinh tế. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đề cập đến “mối đe dọa hiện diện” với nền kinh tế châu Phi khi đề nghị các quốc gia G20 hỗ trợ 150 tỷ USD. Các bộ trưởng tài chính châu Phi trong khi đó thống nhất rằng lục địa này cần gói kích thích kinh tế lên tới 100 tỷ USD.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng ủng hộ lời kêu gọi về gói cứu trợ và cho biết rằng dịch COVID-19 “sẽ đảo ngược thành tựu nhiều quốc gia tạo dựng được trong những năm gần đây”. Một số quốc gia châu Phi vốn nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 25/3 cho biết đã nhận được đề nghị hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ 20 quốc gia châu Phi. IMF xác nhận đã thông qua thấu chi tín dụng cho Guinea và Senegal đang đối mặt với khó khăn kinh tế do COVID-19.
Từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế thiết yếu
Ủy Ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) nhấn mạnh đây là một trong những vấn đề cần ưu tiên đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều nước châu Phi vốn gặp rất nhiều khó khăn trước thời điểm xảy ra đại dịch.
Bên cạnh đó, cơ quan Liên hợp quốc cũng cho rằng, với những nước áp dụng phong tỏa song chưa đạt hiệu quả đẩy lùi dịch COVID-19, việc mở lại hoạt động kinh tế là thực sự cần thiết để tái tạo và duy trì nguồn lực cho một cuộc chiến chống dịch dài hơi.
Sớm thực thi FTA toàn châu Phi
Dự kiến có hiệu lực vào 1/7/2020 song việc thực hiện Hiệp định tự do mậu dịch toàn châu Phi đã phải hoãn lại. Thông tin này được ông Wankele Mene, Tổng thư ký phụ trách thực thi FTA đưa ra trong một cuộc hội thảo trực tuyến nhưng không nêu chi tiết thời hạn cụ thể. Việc thự hiện FTA này sẽ giúp châu Phi tăng xuất khẩu nội khối từ 36 tỷ USD lên 43 tỷ USD.
Sự phục hồi của các đối tác thương mại
Chắc chắn việc phục hồi kinh tế của Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi) và bất cứ quốc gia nào cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại thương của lục địa này, giúp ổn định giá hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng phần lớn nhu cầu nội địa, nhất là lương thực, thuốc tân dược, đồng thời tăng xuất khẩu của châu Phi sang các thị trường này.
Danh sách những quốc gia sản xuất dầu lửa tại châu Phi năm 2018
Thứ hạng | Nước | Sản lượng (thùng/ngày) |
1 | Nigeria | 23037000 |
2 | Angola | 1707000 |
3 | Algeria | 1641000 |
4 | Libya | 850000 |
5 | Ai Cập | 653000 |
6 | Congo Brazzaville | 345000 |
7 | Guinea Xích đạo | 206000 |
8 | Gabon | 198000 |
9 | Ghana | 152000 |
10 | Nam Sudan | 150000 |
11 | Nam Phi | 132000 |
12 | Tchad | 130000 |
13 | Soudan | 105000 |
14 | Cameroon | 81000 |
15 | Cote d’Ivoire | 55000 |
16 | Tunisia | 38000 |
17 | CHDC Congo | 19000 |
18 | Niger | 11000 |
Nguồn : Agence Ecofin
Trao đổi thương mại Việt Nam-Châu Phi
Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 7,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD hàng hóa các loại, tăng 17% và nhập khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi trong 4 tháng đầu 2020 đã giảm 7,1% do tác động của đại dịch Covid-19.