Sáng nay Thủ tướng đối thoại với 2.000 doanh nghiệp cả nước
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra sáng 17/5/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp".
Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ chủ trì Hội nghị để lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cả nước. So với lần đầu tổ chức tháng 4/2016 với khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự trực tiếp, sự kiện này có quy mô lớn hơn khá nhiều. Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân có đến 1.500 đại biểu, khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp FDI, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.
Sau phiên đối thoại, Chính phủ dự kiến sẽ họp ngay chiều nay để bàn giải pháp cho các kiến nghị doanh nghiệp nêu ra.
Cùng với việc tổng kết những thành quả đã đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của hội nghị lần này là tiếp tục củng cố, xây dựng các phương hướng mới, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại báo cáo chuẩn bị cho hội nghị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng 5 nhóm giải pháp chính được đưa ra tại Nghị quyết năm 2016 đã góp phần thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng sau một năm thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Các hành động của bộ máy quản lý được thể hiện bằng 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành giúp đơn giản hóa 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%). Bộ này cũng tổng kết kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... (đạt tỷ lệ 77%).
Kết quả là năm 2016 đã ghi nhận một làn sóng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ. Hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức; 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời; mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành.
Nhiều địa phương cũng đã xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với doanh nghiệp. Các chương trình như Cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), Khởi nghiệp doanh nhân (Kon Tum) hay mô hình Bác sĩ doanh nghiệp (Bắc Ninh) là một trong những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, báo cáo nêu trên và tập hợp ý kiến doanh nghiệp của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại bên cạnh kết quả đạt được. Dù phần lớn kiến nghị của doanh nghiệp được các Bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế vẫn còn nhiều nút thắt thể chế, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với họ.
Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin về Hội nghị!