Công bố kết quả công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)
Công nghệ bao gói khí quyển biến đổi (MAP) là một công nghệ tiên tiến, khá phổ biến trên thế giới cả ở dạng bảo quản chất đống, bao bì vận chuyển và bao bì bán lẻ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi nghiên cứu chế tạo bao bì MAP là phải có được những thiết bị chuyên dùng như thiết bị đùn thổi màng, thiết bị đùn và cắt hạt nhựa… Sau nhiều năm nghiên cứu và được đầu tư trang thiết bị, đến nay Viện Hóa học đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo màng MAP trong dây chuyền thiết bị hiện đại. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích số 1148. Đặc biệt, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa an toàn thực phẩm, không chứa bất kỳ phụ gia độc hại nào ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên cơ sở bao bì MAP, người ta có thể nghiên cứu chế tạo bao bì “năng động” bằng cách bổ sung thêm các tính năng bổ trợ như chức năng hấp thụ etylen, hấp thụ oxy, chống oxy hóa hay tính chất kháng khuẩn nhằm làm tăng hiệu quả bảo quản, nâng cao chất lượng rau quả, thực phẩm. Theo dự báo, thị trường bao bì năng động và thông minh toàn thế giới giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng với tốc độ 7,7%/năm cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Với những kết quả đã đạt được trong công nghệ chế tạo màng bao gói MAP, việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu để tiếp cận công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bao bì năng động và thông minh ở Việt Nam là một hướng đi nhiều triển vọng. Từ công nghệ này, có thể dễ dàng chế tạo được bao bì MAP phù hợp cho từng loại hoặc từng nhóm rau quả. Viện Hóa học đã nghiên cứu bảo quản nhiều loại rau quả bằng bao gói MAP cả trong Phòng thí nghiệm cũng như mô hình bảo quản quy mô lớn nhất là 5 tấn nguyên liệu. Đối với các loại rau, gia vị như ớt, rau mùi, húng quế, bạc hà; rau ăn củ, quả như cà chua, hành tây, dưa chuột, đậu coove…; các loại trái cây có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu như vải thiều, xoài, cam, thanh long, bơ, chanh leo… kết quả nghiên cứu cho thấy bao gói MAP có thể kéo dài thời gian bảo quản từ 2-3 lần so với bảo quản thông thường.
Vải thiều Lục Ngạn là loại quả có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, do thời vụ vải quá ngắn và quả vải có đặc điểm rất nhiều nước nên khả năng bảo quản trong quá trình vận chuyển rất khó khăn, việc xuất khẩu đi các thị trường xa là không đáng kể, thường qua đường hàng không với chi phí khá cao. Một đặc điểm nữa là sau khi thu hoạch, quả vải từ màu đỏ hồng hấp dẫn nhanh chóng chuyển sang màu nâu, làm giảm giá trị thương phẩm. Nguyên nhân là do dưới tác dụng của enzyme polyphenol oxidase (PPO), các chất màu anthocyanin trong vỏ quả bị phân hủy tạo thành các sản phẩm phụ có màu nâu. Đây là vấn đề tồn tại lớn nhất trong bảo quản vải rất khó giải quyết triệt để. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã lựa chọn được thời điểm thu hái quả vải, xử lý trong dung dịch axit hữu cơ có pH = 3 để ức chế hoạt động của enzyme PPO nhằm ổn định màu vỏ quả, xác định được loại bao gói MAP phù hợp kết hợp với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm tối ưu, nhờ đó có thể bảo quản vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tối đa 35 ngày. Từ các kết quả trong Phòng thí nghiệm, nhóm đề tài đã xây dựng được các mô hình bảo quản quy mô 200kg, 400kg và 5 tấn nguyên liệu. Sau 35 ngày bảo quản ở 4oC, quả vải vẫn đảm bảo giá trị thương phẩm với mức tổn thất <10%. Việc kéo dài thời gian bảo quản, tồn trữ vải thiều Lục Ngạn lên tới 35 ngày mở ra cơ hội xuất khẩu vải sang các thị trường gần như Malaixia, Singapore, Australia bằng đường biển thay vì đường hàng không với chi phí cao. Hơn nữa, ưu điểm của công nghệ MAP là đơn giản, chi phí thấp, dễ sử dụng, phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia. Hiện nay Viện Hóa học đã nộp hồ sơ đăng ký Bằng Độc quyền sáng chế về công nghệ bảo quản vải thiều Lục Ngạn bằng bao gói MAP và đã được chấp nhận đơn”.
Công nghệ bao gói khí quyển biến đổi MAP tuy còn khá mới ở Việt Nam, nhưng đã cho thấy những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực bảo quản rau quả, nông sản, thực phẩm nói chung và quả vải Lục Ngạn nói riêng, góp phần phát triển chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với thị trường.
Trên cơ sở thực hiện hợp tác KHCN giữa Viện Hàn lâm KHCNVN và UBND tỉnh Bắc Giang, các kết quả đề tài nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho tỉnh Bắc Giang để nhân rộng và cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu vải thiều, các hộ nông dân trồng vải…. Trong thời gian tới Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN của Viện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.