Quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa theo Hiệp định CPTPP
Theo quy định của Bộ KH&ĐT, việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử, trừ trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP); không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.
Trường hợp chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Về giấy phép bán hàng, trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, hồ sơ mời thầu không được yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Hồ sơ mời thầu không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu
Về hàng hóa mẫu, hồ sơ mời thầu không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu. Trường hợp cần yêu cầu về hàng mẫu để đánh giá về kỹ thuật thì chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình phê duyệt hồ sơ mời thầu. Trong tờ trình phải nêu rõ lý do yêu cầu về hàng mẫu và trình bày chi tiết tiêu chí đánh giá kỹ thuật của hàng mẫu. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu cung cấp hàng mẫu, nhà thầu có thể nộp bổ sung hàng mẫu trong vòng 5 ngày làm việc sau thời điểm đóng thầu.
Về yêu cầu về nhân sự chủ chốt, đối với phần công việc cung cấp hàng hóa, hồ sơ mời thầu không được đưa ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt; đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự chủ chốt.
Về hợp đồng, loại hợp đồng áp dụng chủ yếu cho gói thầu mua sắm hàng hóa là hợp đồng trọn gói. Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và có khả năng cao sẽ biến động giá thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu phải lấy theo Mẫu hợp đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022.