Những chính sách có hiệu lực từ tháng 12
Ban hành mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Kể từ 1/12/2016, Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Chính phủ quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế VAT.
Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình thuộc trường hợp được miễn phí) thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1 m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính như sau: F = f + C
Trong đó: F là số phí phải nộp; f là mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm; C là phí biến đổi, tính theo: Tổng lượng nước thải ra; hàm lượng thông số ô nhiễm và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu dưới đây:
Số TT | Thông số ô nhiễm tính phí | Mức phí (đồng/kg) |
---|---|---|
1 | Nhu cầu ô xy hóa học (COD) | 2.000 |
2 | Chất rắn lơ lửng (TSS) | 2.400 |
3 | Thuỷ ngân (Hg) | 20.000.000 |
4 | Chì (Pb) | 1.000.000 |
5 | Arsenic (As) | 2.000.000 |
6 | Cadmium (Cd) | 2.000.000 |
Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm, không áp dụng mức phí biến đổi.
Nghị định quy định số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:
Số phí phải nộp (đồng) | = | Số lượng nước sạch sử dụng (m3) | x | Giá bán nước sạch (đồng/m3) | x | Mức thu phí |
---|
Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được xác định như sau: Số phí cố định phải nộp là 1.500.000 đồng/năm; Số phí biến đổi (C) theo quy định ở trên được tính cho từng chất gây ô nhiễm theo công thức sau:
Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải nộp (đồng) | = |
Tổng lượng nước thải thải ra (m3) | x |
Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải (mg/l) | x | 10-3 | x | Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của chất gây ô nhiễm thải ra môi trường (đồng/kg) |
---|
- Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20 m3/ngày đêm, số phí cố định (f) phải nộp là: 1.500.000 đồng/năm; Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 20 m3/ngày đêm trở lên, số phí phải nộp hàng quý được tính theo công thức sau: Fq = (f/4) + Cq. Trong đó: Fq là số phí phải nộp trong quý (đồng); f = 1.500.000 đồng; Cq là số phí biến đổi phải nộp trong quý.
Nghị định 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2016.
Theo quy định, công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường.
Công chức Quản lý thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức Quản lý thị trường.
Theo Nghị định, có 4 ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: 1- Kiểm soát viên cao cấp thị trường; 2- Kiểm soát viên chính thị trường; 3- Kiểm soát viên thị trường; 4- Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
Nghị định nêu rõ, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra gồm: Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương; Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh); Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra nêu trên được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra; việc giao quyền ban hành quyết định kiểm tra và việc ban hành quyết định kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra và cấp phó được giao quyền quy định nêu trên thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra trong phạm vi kiểm tra quy định tại Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm: xe ô tô chở người, xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng, xe mô tô, xuồng cao tốc, máy bộ đàm, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử, máy móc, thiết bị văn phòng, các phuơng tiện, thiết bị theo yêu cầu công tác và theo quy định của pháp luật.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia
Từ ngày 1/12/2016 Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg Về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình điều tra thống kê quốc gia, gồm 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 47 cuộc điều tra thống kê.Ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế.
Các cuộc điều tra thống kê gồm: Điều tra về đất đai, dân số, lao động, việc làm; Điều tra về tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ; Điều tra về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Điều tra về công nghiệp, vốn đầu tư, xây dựng; Điều tra về thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, CNTT; Điều tra về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; Điều tra về giá; Điều tra về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; Điều tra về y tế, giáo dục, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mức sống dân cư.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016, thay thế Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh
Từ ngày 01/12/2016, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu lực thi hành.
Thông tư yêu cầu bảo vệ môi trường cụm công nghiệp từ khâu lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Cụ thể, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.
Về bảo vệ môi trường làng nghề, Thông tư quy định các điều kiện: (1) có phương án bảo vệ môi trường làng nghề; (2) các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương; thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng; phân loại chất thải rắn, chuyển cho đơn vị thu gom theo đúng quy định...
Ngoài ra, Thông tư quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quản lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ và các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý.
Phương án bảo vệ môi trường là một trong các căn cứ để đối tượng thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường và là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.
Hỗ trợ sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu
Từ 15/12/2016, Quyết định 47/2016/QĐ-TTg quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản bắt đầu có hiệu lực.
Theo Quyết định, đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.
Theo Quyết định, Nhà nước chỉ hỗ trợ sau đầu tư đối với tàu đóng mới đã hoàn thành là tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ; tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép.
Tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới. Đối với máy móc, trang thiết bị bao gồm: Máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản; máy móc, trang thiết bị bảo quản hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa, chủ tàu chỉ được hưởng hỗ trợ đối với máy móc, trang thiết bị mua mới và không được hưởng hỗ trợ đối với máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng.
Trong trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thì tàu đóng mới đã được hưởng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu của Nhà nước thì không được hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Quyết định này.
Quyết định quy định đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; máy móc, trang thiết bị bảo quản hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa: a- Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. b- Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 9,8 tỷ đồng/tàu.
Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản: a- Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu cá; - b Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu cá; c- Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ composit có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu cá; d- Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 15% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 2 tỷ đồng/tàu cá.
Quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu
Kể từ ngày 1/12/2016, Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro thấp tiến hành lập dự án cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm.
Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao tiến hành lập dự án xử lý ô nhiễm theo phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
Ưu tiên thực hiện xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro cao. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, chi phí xử lý thấp. Việc lập phương án xử lý ô nhiễm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư nêu rõ, nội dung kiểm soát khu vực ô nhiễm bao gồm: thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm; khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh; truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm; theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm và môi trường xung quanh; công bố thông tin về chất lượng môi trường.
Phương Thảo